Văn minh lễ hội ở Cẩm Phả

Thứ hai - 25/02/2019 06:24 1.500 0
Những năm qua, TP Cẩm Phả đã thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức, quản lý lễ hội, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân, từng bước thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch trên địa bàn.
Đền Cửa Ông thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương vãng cảnh, chiêm bái đầu xuân.
Đền Cửa Ông thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương vãng cảnh, chiêm bái đầu xuân.

      Là một trong những lễ hội lớn được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016, Lễ hội đền Cửa Ông luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách đến vãng cảnh, chiêm bái. Xuân 2018, đền Cửa Ông đón trên 250.000 lượt khách, tiền thu đóng góp tại di tích đạt trên 14 tỷ đồng. Riêng dịp tết năm nay, đền đã đón khoảng trên 100.000 lượt khách với tổng tiền thu đóng góp gần 8 tỷ đồng. Những ngày đầu xuân mới, đến thăm di tích cấp quốc gia đặc biệt này, ấn tượng đầu tiên đối với du khách là sự văn minh, tôn nghiêm thể hiện từ không gian di tích, vấn đề vệ sinh môi trường đến công tác đảm bảo an ninh trật tự. Triển khai Dự án cải tạo, mở rộng khu di tích đền Cửa Ông với mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, hiện đền đã được chỉnh trang, tu sửa các hạng mục đền Trung, Thượng, Hạ; mở rộng quảng trường, xây dựng khu vực bãi gửi xe; lắp đặt đèn chiếu sáng công cộng tại khu vực sân đền Thượng, Hạ; sửa chữa nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn... Cùng với đó, tại khu vực đền có bố trí lực lượng chức năng phân luồng giao thông, hướng dẫn hướng di chuyển tránh ùn tắc; hệ thống camera tại khu vực thờ tự; điểm ghi công đức, đặt hòm tiền lễ đảm bảo mỹ quan.

      Đặc biệt, nhà đền thường xuyên sử dụng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền nhân dân, du khách thực hiện đúng các quy định khi vào lễ bái, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội. Chính vì vậy, dù khách thập phương đến với lễ hội đông, song đều đảm bảo an toàn, trật tự và giữ gìn vệ sinh môi trường. Các hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn như đánh bạc, lừa đảo, ép giá hay chèo kéo khách bị loại bỏ; tình trạng ăn xin ăn mày, đổi tiền lẻ, dắt tiền lẻ vào tượng Phật, tượng thần được bài trừ. Một vài năm trở lại đây, Ban Quản lý đền còn đầu tư nhiều bộ trang phục đi lễ và bố trí nơi mượn quần áo miễn phí ngay tại cổng đền nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm nơi đền, chùa, qua đó đã tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân, du khách. Bà Nguyễn Thị Hà (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ: “Là người con Quảng Ninh sống xa quê, năm nào tôi cũng về đi lễ đền, chùa ở Uông Bí, Cẩm Phả, Vân Đồn. Đối với đền Cửa Ông, tôi thấy có sự thay đổi rõ rệt trong nhiều năm gần đây. Khuôn viên đền đẹp, luôn sạch sẽ và uy nghiêm. Giao thông di chuyển vào đền cũng thông thoáng, thuận tiện hơn trước. Do chưa có sự chuẩn bị trước nên con dâu tôi không có quần áo dài đi lễ, nhưng đến đền lại có chỗ để mượn vào đền lễ, bái. Vì vậy, chúng tôi rất khen ngợi công tác tổ chức lễ hội đầu xuân ở đây”.

undefined
Nơi mượn quần áo đi lễ miễn phí được Ban Quản lý đền Cửa Ông bố trí ngay tại cổng đền và có nhân viên túc trực hướng dẫn, nhắc nhở

     Theo ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, đền Cửa Ông là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt với nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không phải đến khi được xếp hạng vào năm 2018 mà từ nhiều năm trước, công tác quản lý, tổ chức Lễ hội đền Cửa Ông nói riêng, lễ hội đầu xuân trên địa bàn nói chung đã được thành phố chú trọng thực hiện một cách nghiêm túc. Theo đó, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tuyên truyền trực quan bằng hệ thống cụm pano, cờ hội từ cầu 20 và xung quanh khu vực di tích. Ngay từ trước khi diễn ra lễ hội đầu xuân, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, thành lập các tiểu ban của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, cơ quan chức năng xây dựng phương án tổng thể đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

      Đi đôi với đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ lễ hội được chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ đảm bảo thuận lợi, văn minh với giá thành ổn định; không để xảy ra các hiện tượng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh. Đồng thời, tổ chức phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của di tích nhắc nhở nhân dân, du khách thực hiện đúng nội quy, như: Không thắp hương trong khu vực thờ tự, hạn chế sử dụng vàng mã đặt nhiều vào các ban thờ... Thành phố cũng tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác quản lý di tích tại các di tích trên địa bàn. Qua kiểm tra, các di tích đều chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật; không phát hiện hiện tượng ăn xin ăn mày, bán hàng rong và bày, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch. Các điểm kinh doanh dịch vụ được bố trí ở các khu vực riêng, niêm yết và bán đúng giá niêm yết, không có tình trạng chèo kéo khách... tại khu vực lễ hội.    

undefined
Nhân viên dọn vệ sinh được bố trí làm việc thường xuyên tại khu vực đền Cửa Ông.
     “Nhờ thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý, các lễ hội trên địa bàn đều diễn ra trang trọng, thể hiện được nét đẹp văn hóa của người Vùng mỏ, được nhân dân, du khách đánh giá cao. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, mà còn tạo được niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, góp phần tăng nguồn thu xã hội hóa, nguồn công đức để phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo cho các di tích về lâu, về dài” - ông Chiến cho biết thêm.

HĐ (ST)

Nguồn tin: Theo baoquangninh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây