Đến năm 2018, hình thức này được tiết chế, nhưng đã trở lại tràn ngập vào năm nay với việc lồng ghép hơn 5 nhãn hàng trong thời lượng 2 tiếng, 30 phút. Không chỉ nhắc tên, lời thoại còn miêu tả tác dụng, ưu điểm của sản phẩm, thậm chí cả slogan của thương hiệu. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là quảng cáo bằng nội dung kịch bản có đáng bị lên án nếu biết cách xây dựng tinh tế, chừng mực?
Bùng nổ quảng cáo bằng nội dung kịch bản
Thực tế, việc kiếm tiền trên sóng giờ vàng truyền hình đã đa dạng hơn rất nhiều. Trước Táo Quân 2019, màn ảnh VTV đã có một năm bùng nổ hình thức quảng cáo bằng chính lời thoại và nội dung trong phim truyền hình. Nghĩa là ngoài kiểu quảng cáo truyền thống với thời lượng khoảng vài phút xen giữa phim vẫn được duy trì, phim truyền hình Việt giờ đã đẩy mạnh quảng cáo bằng chính lời thoại, nội dung và cả cảnh quay trong phim.
Gần như dự án phim đình đám nào trên sóng VTV cũng có cài cắm quảng cáo vào nội dung, dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, trường hợp điển hình nhất là phim Tình khúc Bạch Dương (Vũ Trường Khoa đạo diễn), phát sóng giữa năm 2018.
Tên ngân hàng, tên một công ty bất động sản đã được nhắc đi nhắc lại trong ít nhất 3 tập phim Tình khúc Bạch Dương. Không dừng lại ở lời thoại “PR” của nhân vật, phim còn có nhiều cảnh quay cận logo, trụ sở, dịch vụ của doanh nghiệp.
Không chỉ những bộ phim phát sóng chính thức, hình thức quảng cáo này đặc biệt bùng nổ ở ngoại truyện của những bộ phim truyền hình "bom tấn" gây bão, cũng do VTV sản xuất.
Phía trước là cả một đời phán xử, Người phán xử tiền truyện hay ngoại truyện của Cả một đời ân oán, Quỳnh búp bê cũng đều có yếu tố quảng cáo, thậm chí được cho là dày đặc.
Trong đó, ngoại truyện có nhiều quảng cáo nhất là Người phán xử tiền truyện. Cả bốn tập phim đều có yếu tố quảng bá, giới thiệu cho doanh nghiệp. Riêng tập 2 của bộ phim chỉ có 20 phút nhưng thời gian quảng cáo là 4 phút, chiếm 1/5 thời lượng phim.
Đối tượng quảng cáo chủ yếu là một trung tâm giải trí. Trong đó, logo của thương hiệu vui chơi, giải trí thuộc một tập đoàn bất động sản này còn được chạy ở góc màn hình suốt thời gian của bộ phim.
Không có một tiết lộ chính thức về doanh số, nhưng rõ ràng, ngoài tiền tỷ từ việc bán quảng cáo giữa khung giờ phát sóng, phim truyền hình Việt và chương trình hài kịch truyền hình như Táo Quân giờ đây còn thu được lợi nhuận khủng nhờ quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp bằng lời thoại và cảnh phim.
Chiếc lược tinh vi của phim Hàn và chuyện “lợi nhiều hơn hại”
Quảng cáo bằng nội dung trong phim vốn không phải việc xa lạ hay “chỉ Việt Nam mới có”. Trong nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, hình thức này được khai thác triệt để.
Một đại diện của VTV từng tiết lộ với Zing.vn rằng thời gian đầu khi các đơn vị của Hàn Quốc sang Việt Nam để định vị thị trường, VTV thậm chí không hề mất tiền trong việc mua bản quyền phát sóng phim truyền hình Hàn. Đơn vị của Hàn Quốc thông báo "tặng" và Đài có thể toàn quyền phát trên kênh sóng của mình.
Không ít người tiếp nhận phim "miễn phí" từng thắc mắc: "Tại sao nhà sản xuất Hàn Quốc lại cho Việt Nam phát sóng miễn phí những bộ phim mà họ phải kỳ công thực hiện?".
Nhưng, thực tế đằng sau đó là một chiến lược tinh vi. Có nghĩa, bên trong của sự miễn phí là những chiến lược quảng bá mạnh mẽ về văn hóa và cả kinh doanh.
Không khó để nhận ra, sau phim truyền hình Trái tim mùa thu, son môi thâm được nhiều khán giả Việt ưa chuộng, thời trang Hàn cũng được yêu thích.
Ngoài thời trang, ẩm thực Hàn cũng xâm nhập vào Việt Nam từ phim ảnh. Những bộ phim về đề tài ẩm thực như Vua bánh mì, Hương vị tình yêu, Nàng Dae Jang Geum... đã gián tiếp đưa bánh gạo, kim chi, mì đen, canh rong biển vào Việt Nam.
Những nhà hàng Hàn Quốc mọc lên "như nấm sau mưa", từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Nhiều gia đình hiện nay thậm chí không còn thói quen ăn dưa cà - những món ăn Việt Nam - nhưng lại rất thích kim chi và còn tự tay làm.
Rõ ràng, phim truyền hình góp phần không nhỏ trong việc tạo ra làn sóng Hàn Quốc (Hallyu). Không dừng lại ở đó, khi biết ẩm thực - thời trang có thể dễ dàng xâm nhập vào các thị trường khu vực nhờ phim truyền hình, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất phim Hàn Quốc càng mạnh tay đầu tư và xây dựng chiến lược cho xe cộ và đặc biệt là smartphone trong tác phẩm nghệ thuật.
Nhiều bộ phim của Hàn, 100% nhân vật trong phim dùng một loại điện thoại duy nhất - và đó là điện thoại của thương hiệu Hàn Quốc. Sau đó là những đại sứ thương hiệu là chính nam, nữ diễn viên chính trong phim. Và những sản phẩm công nghệ Hàn Quốc đã "xuất ngoại" như vậy.
Nhưng một thắc mắc được đặt ra là khán giả Việt rất ít khi phản ứng với hình thức quảng cáo bằng nội dung kịch bản trong phim Hàn. Và, đó cũng chính là câu chuyện của ranh giới giữa phản cảm và phù hợp.
Ranh giới nào giữa phản cảm và phù hợp?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của VTV từng nhấn mạnh với Zing.vn rằng cái khó của của quảng cáo bằng nội dung kịch bản ở Việt Nam là không chỉ khán giả mà đội ngũ biên kịch của Việt Nam cũng chưa quen với việc làm này.
Do đó, nhiều biên kịch phản ứng cho rằng quảng cáo bằng lời thoại sẽ làm hỏng nội dung phim. Thế nên khi bắt tay vào làm kịch bản sự cài cắm quảng cáo chưa được chuyên nghiệp.
"Đội ngũ biên kịch phía Hàn Quốc làm rất tốt việc quảng cáo trong kịch bản phim. Ngay khi xây dựng kịch bản, họ đã chủ ý dành những khoảng trống để chèn thương hiệu. Trong Tuổi thanh xuân, khi chúng tôi làm việc với họ, thấy họ làm điều này rất nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp", giám đốc VFC chia sẻ.
Mặt khác, các đơn vị kinh doanh, tài trợ ở Việt Nam cũng chưa hiểu được sự tinh tế trong việc quảng cáo thông qua lời thoại và cảnh phim.
Một đạo diễn khẳng định với phóng viên rằng nhiều đơn vị tài trợ, họ không hiểu nên luôn muốn thương hiệu của mình được nhắc đến tập trung, nhắc đến nhiều trong phim.
“Họ bỏ tiền nên rất muốn được nổi bật nhưng lại không hiểu phim phải chạm được cảm xúc của người xem, nếu không chạm được cảm xúc có thể còn có tác dụng ngược", anh nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận quảng cáo bằng nội dung kịch bản là một trong những xu thế tất yếu. Thương mại hóa truyền hình giúp truyền hình phát triển. Bởi lẽ không có quảng cáo, chương trình cũng sẽ không được đầu tư, thậm chí không có nổi kinh phí để thực hiện. Nhưng muốn được khán giả đón nhận thực sự cũng cần lồng ghép quảng cáo tinh tế và chừng mực.
“Tại sao Tình khúc Bạch Dương, Táo Quân và nhiều bộ phim khác trên sóng VTV bị phản ứng vì hình thức quảng cáo này. Là do thiếu sự tinh tế, chưa khéo léo trong liên kết với nội dung. Lời thoại tương đối lộ liễu, quảng cáo không đến mức phải tỉ mỉ như vậy, khó tránh bị la ó”, một giảng viên truyền thông nêu quan điểm.
Doanh nghiệp có thể coi việc quảng cáo trong Táo Quân là chiến lược, nhà đài có thể xem hình thức đó là một cách thu lợi nhuận hiệu quả, những người thực hiện cũng có thể “tặc lưỡi cho qua”. Nhưng rõ ràng, người chịu trận cuối cùng lại là khán giả.
Nhưng khán giả, nhìn chung, cũng rất công bằng. Theo dõi những phản hồi trên mạng những ngày qua, bên cạnh những chỉ trích cho rằng không nên có quảng cáo bằng kịch bản, cũng có nhiều người nhìn nhận đó là một xu thế hiện đại, và tất yếu, miễn sao nhà đài, đơn vị sản xuất, thậm chí cả doanh nghiệp biết thế nào là “tinh tế” và “vừa đủ".
HĐ (ST)
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc