Nếu hiểu đạo Phật thì không nên "đến chùa để cầu"

Thứ sáu - 15/02/2019 09:51 8.226 0
Theo Đại đức Thích Chánh Thuần, cầu nguyện không phải là bản chất của phật giáo. Bản chất của phật giáo chính là nhân – quả. Nhân nào quả ấy.
Người dân đi lễ chùa đầu năm Kỷ Hợi
Người dân đi lễ chùa đầu năm Kỷ Hợi

      Từ xưa đến nay, đi lễ chùa đầu năm là tập tục đẹp trong cộng đồng, tuy nhiên, không phải ai đến chùa cũng đều hiểu được ý nghĩa của hoạt động tâm linh này, hoặc là không biết cách thức thực hành nghi lễ ở chùa ra sao. Vậy đi chùa để làm gì và bước vào cửa Phật thì thực hành nghi lễ thế nào cho đúng? Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV nhân mùa lễ hội, Đại đức Thích Chánh Thuần - Trụ trì chùa Phúc Lâm, thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, HN sẽ giải đáp những băn khoăn này.

      Pv: Khi đi lễ chùa, nhiều người mang tiền lẻ cài vào tay, hay vào nhiều nơi trên ban Phật, khe cửa, thả xuống giếng chùa theo kiểu tiện đâu bỏ đó. Theo Đại đức, cách làm này nên hay không?

      Đại đức Thích Chánh Thuần: Khi đi lễ chùa, vào các đền, các phủ, người dân hoặc phật tử thường giắt tiền lẻ vào tay, vào tai hoặc để lên ban thờ hoặc rải tiền vào giếng, vào những nơi người ta cho rằng linh thiêng và tâm linh. Nhưng việc này xét về góc độ văn hóa, rất phản cảm. Xét về góc độ phật giáo thì hoàn toàn không phù hợp. Và ở một góc độ nào đó, việc giắt tiền lên ban thờ, tay hoặc tai các tôn tượng của người phật tử thể hiện tinh thần không kính phật.

      Pv: Nhiều người đi lễ chùa xin thăng quan tiến chức, tiền bạc danh vọng và rất nhiều thứ khác nữa. Nhiều người cho rằng cầu xin như vậy không đúng với tinh thần đạo Phật là không tham – sân – si. Vậy nên cúng như thế nào cho đúng khi đến cửa Phật, thưa đại đức?

      Đại đức Thích Chánh Thuần: Thông thường, người dân đã đến đền, đến phủ, họ mang theo tâm lý, đó là cầu. Cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, cầu bình an… Vậy có cầu được hay không? Trong phật giáo, cầu nguyện không phải là bản chất của phật giáo. Đức phật cũng không khuyến khích đệ tử mình cầu nguyện. Bản chất của phật giáo chính là nhân – quả. Nhân nào quả ấy. Đức phật nói là không ai cho mình cái gì và không ai lấy đi của mình cái gì. Cuộc sống của mình trong tương lai tốt đẹp hay không là do bản thân mình tự quyết định, chứ không có trời phật nào quyết định thay mình cả. Cho nên đức phật hướng con người làm việc thiện. Nếu mình làm việc thiện, nhất định cuộc sống của mình sẽ thiện và ngược lại. Làm điều ác thì cuộc sống sẽ gặp nhiều trắc trở.

      Pv: Nhiều người đến chùa khấn vái rất nhanh, cầm hương đi khấn vái khắp nơi, cứ chắp tay vái liên tục, không biết có đúng không, thưa Đại đức?

      Đại đức Thích Chánh Thuần: Về thắp hương, cơ bản các chùa có yêu cầu không thắp hương trong chùa. Việc thắp hương, nhà chùa đã thắp rồi. Khi phật tử đến chùa muốn thắp hương, phải xin ý kiến trụ trì.

      Về khấn vái, các phật tử thông thường khấn rất nhanh, vừa niệm vừa khấn. Khi khấn tay cứ đưa lên, đưa xuống là trái với uy nghi của phật tử. Về góc độ tôn kính phật, thì khấn như vậy thể hiện sự không tôn kính đức phật. Vậy cho nên khi khấn thì không vái. Chúng ta chỉ chắp tay ngang ngực theo hình búp sen và yên lặng cầu bình yên cho cuộc sống của mình. Không nên tay vung lên vung xuống.

      Khi vái, cả đầu cả tay từ từ đưa lên, đưa xuống không phải vừa khấn, vừa vái như “bổ củi” – thể hiện sự thiếu tôn trọng đức phật.

      Pv: Vậy khi đi lễ chùa cần chuẩn bị những gì?

      Đại đức Thích Chánh Thuần: Khi đi lễ chùa đầu năm, chúng ta cần chuẩn bị, hoặc không chuẩn bị cũng không sao, chuẩn bị đơn giản chứ không phức tạp. Không nên mang thịt gà hoặc những đồ ăn mặn vào chùa để lễ. Không nên mang đồ vàng mã đặt lên ban phật. Không nên đốt vàng mã ở chùa – thiếu tôn trọng phật. Không có trong quan niệm của phật.

      Không phải đặt tiền nhiều hay ít, lễ to hay nhỏ. Đức phật không ăn được những lễ ấy. Mà cái tâm phật sẽ biết. Có thành tâm hay không. Phải có ngôn ngữ của đức phật thì mới cầu nguyện được phật ban cho. Đó là ngôn ngữ của cái thiện, ngôn ngữ của điều lành. Đó là phải sống thiện, sống lành. Khi có ngôn ngữ của đức phật thì đức phật sẽ nghe được và phù hộ cho mình.

      Căn bản đi chùa lễ phật là phải thảnh thơi. Đầu năm du xuân thì tốt. Và không quá nặng nề việc nghi lễ như thế nào, lễ to hay nhỏ, mà quan trọng nhất là sự thành kính đối với đức phật và cái tâm thiện của mình có sáng hay không sáng.

      Pv: Xin cảm ơn Đại đức!./.

NQ (ST)

Nguồn tin: vov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây