Hồi nhỏ, tôi vẫn còn được chứng kiến bà và mẹ tôi nhuộm vải. Màu nâu tất nhiên được chế từ củ nâu, vẫn đem từ rừng về, còn màu đen, tôi còn nhớ được nấu từ lá một loại cây có tên là cây tròi (sòi). Vải lụa nhuộm xong để ráo nước rồi đem phơi lên sào hoặc căng cả tấm dài lên mặt cỏ bờ đê. Khô, đem nhuộm lại cho đến khi có màu như ý muốn. Vải nâu sau khi nhuộm xong có người còn đem lướt bùn để được bền chắc và bền màu. Quanh năm đầu tắt mặt tối, lấm láp với bùn đất ruộng vườn, lấy ăn chắc mặc bền làm gia bản, chẳng mấy khi rỗi rãi mà nghĩ đến màu nọ sắc kia…
Nhưng nói vậy thôi, nói vậy mà không phải vậy, không hoàn toàn như vậy bởi vì mỗi năm Tết lại đến một lần! Khi cây bích đào đầu hồi bói những bông hoa đầu tiên, trên cây cam sai trĩu trước nhà quả chín treo đỏ trên cành, ông chủ nhà vòng ra sau vườn chặt buồng chuối đã kéo cong thân cây với những nải quả căng tròn đem dấm. Những nải chuối chín cùng với chùm cam là những màu sắc đầu tiên cho mâm ngũ quả. Trảy thêm quả bòng, mua thêm quả phật thủ thơm lừng, chùm quất vàng mọng… trên ban thờ gia tiên mâm trái cây đã được dâng lên. Trên hai cây cột cái gian giữa ông chủ dán đôi câu đối quốc ngữ viết theo kiểu chữ nho trên giấy hồng điều, nội dung cao cả mừng quốc thái dân an, mong ông bà khang ninh, cháu con hiếu thảo. Hai bên hương án là hai lọ hoa cúng kết bằng giấy trang kim (khi hương đèn thắp lên sẽ phản quang lấp lánh)… Những sắc màu như gọi nhau về tụ hội, một bình hoa lớn với thược dược đủ màu hẳn là không thể thiếu… Tết đã đến rồi!
Bỗng nhớ những ngày xưa, sau buổi học cuối năm, một buổi học tuyệt vời từ lâu mong đợi, tôi chạy ù về nhà, ngạc nhiên khi thấy trên cái nong đặt giữa sân gạch chất đầy lá dong xanh mướt. Vòng bên ngoài là rá đỗ vàng tươi, rổ gạo nếp trắng ngần, khay thịt lợn đã được ướp gia vị thẫm màu. Bà tôi ngồi trên cái ghế thấp sát mép nong, mái đầu bạc cúi cúi, bà đang gói bánh chưng. Những tấm bánh gói không dùng khuôn mà vuông vức, xanh thẫm, buộc chặt bằng những sợi lạt giang trắng mềm được xếp dần vào cái nồi cao hơn cả người tôi. Đêm luộc bánh chưng mới thật là đêm huyền thoại, những ngọn lửa đốt bằng những thanh củi lớn rần rật cháy, than củi đỏ rực giữa nền trấu âm ỷ, nồi bánh sôi, nghi ngút khói trắng uốn lượn bay lên… Những gương mặt ửng hồng ánh lửa, tràn trề niềm vui, góc sân vốn quanh năm vắng vẻ, lạnh lẽo trong những đêm đông bỗng trở nên rạo rực, ấm cúng, nồng nàn, cái rét tan biến đi đâu không biết nữa.
Lũ chúng tôi còn chạy cả sang nhà hàng xóm, chen nhau ngồi sưởi quanh nồi bánh, ngoắc tay nhau cá là sẽ chờ đến cùng, cho đến khi bánh chín. Nhưng đêm mùa đông thường quá dài so với trẻ con, hôm sau thức dậy chúng tôi đã thấy bánh được xếp ngay ngắn từng hàng và đang được ép để giữ được lâu mà không nát.
Về sắc màu tết không thể không nhắc đến mâm cỗ tết. Những món ăn được nấu nướng từ những vật phẩm của ruộng vườn quanh năm cày cuốc không chỉ có màu sắc tự nhiên mà còn là “tác phẩm” của bàn tay tài hoa, của cái nhìn mẫn cảm của con người. Mâm cỗ như một bức tranh đầy màu sắc về sự no đủ với bánh chưng xanh lá, xôi đỗ hoa cau, xôi gấc đỏ tươi, thịt gà vàng ươm, chả quế nâu sậm, giò lụa trắng ngà… Cũng như tranh Làng Hồ, trên nền giấy dó quang hồ vỏ điệp, màu đỏ hòn son, màu vàng hoa hòe, màu đen than lá..., cây cỏ, đất đá quanh nhà mà nên tranh gà, tranh lợn. Tranh Tết với cái duyên thầm làm cho những bức vách trong nhà đỡ vắng lặng, lạnh lẽo, làm cho những ánh mắt nhìn có nơi gặp gỡ tươi vui.
Nói đến sắc màu Tết lại phải quay trở lại chuyện trang phục, thực ra giữa cuộc mưu sinh lam lũ, trong lòng người vẫn nhen nhóm một khoảng sáng đầy màu sắc, ở đấy ấp ủ dự định cho những trang phục sẽ mặc trong những ngày vui, những ngày trọng đại của đời người, trong các dịp lễ tết, diễn xướng. Những bộ quần áo dân tộc đầy sáng tạo còn lại đến ngày nay chẳng phải là những minh chứng cho điều đó hay sao.
Để dễ hình dung câu chuyện một cách trực quan xin hãy ngắm nhìn các liền anh, liền chị trong ngày hội quan họ để thấy những điều tinh tế trong kiểu dáng, hài hòa trong màu sắc qua trang phục của họ. Những miêu tả chi tiết chắc sẽ quá dài dòng, xin kể ra một vài thức thường dùng để làm tiêu bản. Những liền anh thường bận áo cánh bên trong, áo dài bên ngoài. Áo dài may hai lần, lần ngoài bằng lương hoặc the, hoặc đoạn màu đen, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh... gọi là áo kép, quần trắng ống rộng, dài đến mắt cá chân… cộng thêm những khăn nhiễu, khăn xếp, những nón chóp, ô đen… đủ nói lên cái sự chu đáo đến cầu kỳ và đa màu sắc. Còn với các liền chị thì sao? Dĩ nhiên cấp độ còn cao hơn thế nữa: Áo mớ ba mớ bảy nghĩa là có thể mặc cả “mớ” áo dài lồng vào nhau! Tuy nhiên trong thực tế, các liền chị thường mặc áo mớ ba thôi. Chỉ riêng yếm, có yếm cổ xẻ, yếm cổ viền, yếm thường nhuộm màu đỏ (xưa gọi là yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển). Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh, may bằng vải phin hoặc lụa trắng, mỡ gà, vàng hay màu ngà. Ngoài áo cánh là những lượt áo dài năm thân. Áo dài ngoài cùng thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh gián trong khi áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thủy, màu vàng chanh, màu vàng cốm v.v… Cũng tương tự yếm, thắt lưng làm bằng lụa nhuộm các màu tươi sáng như màu hoa lựu, màu hoa đào, màu hoa hiên tươi, màu hồ thủy…
Những bộ cánh vừa kể sơ qua mà màu sắc cũng đủ làm ta hoa mắt, vẫn được “trưng diện” trong dịp Tết. Tôi cứ băn khoăn không biết có nên rút lại lời nhận xét về hai màu đen và nâu ở đầu bài không?
Phương Tây đã trải qua những trăm năm vật vã với mốt mai, hết ngắn lại dài, hết bó chẽn lại buông suông, màu sắc thường được chọn rất ăn ý với kiểu dáng. Những vòng xoáy ốc còn tiếp diễn, mỗi vòng mới với những thành tựu, những scandal mới… Ở ta, gần đây nam thanh nữ tú cũng cuốn vào các vòng xoáy ốc ấy, cũng là lẽ đương nhiên. Nhắc sắc màu ngày tết, dẫu chỉ là sơ qua, không biết có là hoài cổ không?
NQ (ST)
Nguồn tin: vinacomin.vn
Ý kiến bạn đọc