Theo ông Nguyễn Văn Toản – Phó Chánh văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với tinh thần “Chủ trương mới, quyết liệt, kết quả cao”, từ khi kết thúc giai đoạn 1 đến nay, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động cả nước tiếp tục hưởng ứng tích cực, đăng ký gửi sáng kiến tham gia chương trình. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống, chương trình đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến vào 15h34 ngày 03/10/2022; hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 1 năm (332 ngày).
Ông Nguyễn Văn Toản đánh giá, chương trình thực sự đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên, công nhân viên chức lao động, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến của công nhân lao động đối với sự ổn định và phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Toản, vẫn còn nhiều đơn vị chưa quyết liệt để thúc đẩy chương trình, chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm lực sẵn có của địa phương, ngành; số lượng sáng kiến còn thấp so với chỉ tiêu đề ra (còn 28 đơn vị đạt dưới 50% chỉ tiêu cả chương trình), cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Tại hội nghị, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong thực hiện chương trình 1 triệu sáng kiến: Lồng ghép chương trình với một phong trào thi đua của riêng tỉnh Thanh Hoá; giao kế hoạch cho các công đoàn cấp trên cơ sở, từ đó công đoàn cấp trên cơ sở giao cho công đoàn cơ sở; thành lập các tổ kỹ thuật để hướng dẫn khâu nhập sáng kiến vào hệ thống; gắn việc triển khai chương trình với công tác thi đua, khen thưởng của các tập thể, cá nhân.
“Trong quá trình triển khai, các cấp Công đoàn cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ chính quyền, phối hợp các cơ quan đơn vị để đưa chương trình đến với tất cả các tổ chức, cá nhân thuộc lãnh đạo của cấp uỷ chính quyền, từ đó tuyên truyền sâu rộng về chương trình đến các tầng lớp nhân dân” - đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá cho biết.
Đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình. Theo đó, các đề tài sáng kiến đối với các nhà trường do hội đồng xét các sáng kiến thực hiện vào cuối các năm học, nên nhiều sáng kiến không kịp cập nhật.
Ngoài ra, theo đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam, một số công đoàn cơ sở chưa dành thời gian quan tâm, hỗ trợ tập huấn cho các nhà giáo, nhà khoa học trong việc cập nhật các đề tài sáng kiến lên hệ thống. Bên cạnh đó, còn có vướng mắc về định lượng giá trị làm lợi của các đề tài, sáng kiến…
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho rằng, kết quả vượt chỉ tiêu của chương trình thể hiện niềm tin của đoàn viên với tổ chức công đoàn. Thay mặt Thường trực Đoàn Chủ tịch, ông Trần Thanh Hải gửi lời cảm ơn tới đoàn viên công đoàn cả nước và đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là ở cấp cơ sở.
Ông Trần Thanh Hải chỉ đạo, thời gian tới, trong triển khai chương trình, cần thực hiện tốt, đúng về giá trị làm lợi của sáng kiến, cải tiến; phải xây dựng tiêu chí khen thưởng cho các cá nhân có sáng kiến, cải tiến ở các cấp công đoàn…
“Tất cả sáng kiến cải tiến đều phải được ghi nhận ở công đoàn cơ sở - nơi sản sinh, ứng dụng sáng kiến, từ đó đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn” - ông Trần Thanh Hải nói.
Cùng với đó, cần phải khắc phục việc kê khai sáng kiến trùng lắp, tương đồng với nhau. Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh, phải xây dựng một phong trào thực sự bền vững, có chất lượng, lan toả hiệu quả đạt được, chứ không phải vì thành tích đơn thuần./.
NQ (ST)
Nguồn tin: Theo congdoan.vn
Ý kiến bạn đọc