Mặc dù vậy, ý thức của người dân ở một số nơi về phòng chống sốt xuất huyết chưa cao: Để nước ứ đọng ở chậu cây cảnh, các lọ, mảnh sành; chưa thường xuyên thay nước ở các bình hoa; chứa nước trong lu, chậu không đậy nắp...
Cùng với đó, vẫn còn tình trạng nhầm lẫn sốt xuất huyết với một số bệnh khác. Trên địa bàn tỉnh đang tồn tại một số bệnh sốt có phát ban. Theo bác sĩ Lương Xuân Kiên - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), với bệnh nhân sốt xuất huyết thể cổ điển sẽ có những triệu chứng: Sốt cao, sốt có thể lên đến 40-41 độ C; đau đầu nhiều; đau phía sau mắt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn và ói mửa; phát ban. Khác với sởi và một số bệnh khác, các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Với trẻ em, khi bị sốt xuất huyết sẽ có những dấu hiệu sốt cao, khiến gia đình thường nhầm là cảm cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp. Khi nặng hơn, ngoài các triệu chứng như đã nói trên, người bệnh còn kèm theo chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím; nặng hơn nữa bị thoát huyết tương khỏi lòng mạch, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, dẫn tới tình trạng sốc do giảm thể tích tuần hoàn hoặc do mất máu quá nhiều, tình trạng này thường xảy ra từ ngày 3 đến ngày 6 của bệnh, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bởi vậy, để phòng chống, cách tốt nhất là diệt trừ muỗi Aedes truyền bệnh bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng/bọ gậy; thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hằng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà (chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...); dọn vệ sinh môi trường; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thường xuyên thay nước bình hoa; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện để diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; ngủ trong màn.
Khi gia đình có người bệnh sốt xuất huyết, cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị, theo dõi kịp thời. Cho người bệnh nằm trong màn để tránh muỗi đốt lây lan bệnh sang người khác./.
NQ (ST)
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc