Chị Nguyễn Thị Thúy, một công nhân ở Phân xưởng Cơ khí 2, Công ty CP Chế tạo Máy - Vinacomin làm việc trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, nhóm nghề có rất ít phụ nữ đảm nhận. Thế nhưng, không những đủ sức đảm nhận, người nữ công nhân này còn xuất sắc đoạt danh hiệu Bàn tay vàng của Công ty CP Chế tạo máy. Trong danh sách những Bàn tay vàng của công ty, chị Nguyễn Thị Thúy là nữ công nhân duy nhất đoạt được danh hiệu này, không kém cạnh bất cứ đồng nghiệp nam giới nào trong đơn vị.
"Bí quyết duy nhất để thành công mà tôi nuôi dưỡng suốt 30 năm công tác chính là lòng yêu nghề, sự say mê và nhiệt huyết. Đó là động lực để bản thân tôi luôn nỗ lực học hỏi kiến thức, tay nghề, trau dồi kinh nghiệm trong công việc" - chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.
Gắn bó với những mối hàn đã nhiều năm, chị Nguyễn Thị Cường, một nữ công nhân tiêu biểu ở Phân xưởng Sửa chữa ô tô, Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin, vẫn luôn giữ cho mình sự chỉn chu, cẩn trọng, trách nhiệm trong công việc.
Trên khai trường, trong phân xưởng nơi những chiếc xe tải trọng lớn và cả những thiết bị xúc bốc công suất lớn đang nằm chờ sửa chữa, tiểu tu, tiếng ồn, bụi bặm, mùi dầu mỡ và cả không khí nóng bức khiến công việc của một thợ hàn trở nên vất vả hơn. Dù sức khỏe hạn chế hơn so với các đồng nghiệp nam giới, nhưng chị Cường là một trong số ít thợ hàn nữ vẫn trụ được với nghề.
Tuy không trực tiếp sản xuất than, nhưng công việc phụ trợ của những nữ công nhân đang đóng góp một phần không nhỏ cho từng tấn than, mét lò của các đơn vị. Và có lẽ cũng hiếm ở ngành công nghiệp nào, nữ công nhân lao động lại đảm nhận được nhiều vị trí vất vả, nặng nhọc như ở ngành than.
Nữ công nhân ngành than làm thợ cơ khí chế tạo; lái máy vận hành cầu trục trong xưởng cơ khí; bơm moong, trực trạm điện trung thế trên khai trường; vận hành thiết bị sàng tuyển, giám định than trên phương tiện, tàu biển... những công việc tưởng chừng sẽ không dành cho phái đẹp.
Trong các đơn vị khối sản xuất than, đặc biệt là hầm lò, phụ nữ sẽ được bố trí vào một số vị trí công việc khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là ngành đời sống.
Đó là những người phụ nữ coi thợ lò như người thân để quan tâm chăm sóc từ chuyện mặc đến chuyện ăn. Từng tấm áo quần, từng đôi ủng đầy bụi than luôn được các chị em nhà giặt sắp xếp tinh tươm. Áo rách may lại, áo cũ đổi mới giúp người thợ yên tâm sản xuất.
Đó là những bóng hồng thầm lặng sau mỗi bữa cơm ngon, sau những bộ quần áo sạch sẽ, thơm tho và cả từng chiếc đèn lò, bình tự cứu được sạc đầy cho mỗi ca sản xuất an toàn và đón thợ lò tan ca bằng những cốc chè thơm mát sau 8 tiếng làm việc dưới hầm mỏ.
"Dẫu công việc vất vả, chị em luôn thường trực nụ cười trên môi, như một cách để xua tan mệt nhọc cho những người đồng nghiệp của mình. Với thợ lò, họ là những bông hoa ở mỏ, một phần không thể thiếu trong dây chuyền sản xuất than. Niềm vui, nụ cười của người thợ lò cũng chính là động lực giúp cho các chị em phấn đấu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình" - bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhận định.
Làm việc trong một ngành mà “thế mạnh không thuộc về phụ nữ”, công việc vất vả, quanh năm gắn mình với hòn than nhưng mỗi người nữ cán bộ, công nhân, lao động đều có chung sự tâm huyết với nghề, giỏi chuyên môn, có nhiều sáng kiến, đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Trong nghề mỏ còn lắm nhọc nhằn, những người phụ nữ tựa như những bông hồng, điểm tô thêm sự tươi tắn và ấm áp./.
QN
Ý kiến bạn đọc