Câu chuyện chiếc quần Jean hay thời trang của những người thợ mỏ

Chủ nhật - 22/07/2018 15:34 1.914 0
Thị trường thời trang đổi thay thường xuyên và rất nhanh chóng nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ rất đặc biệt. Đó là những chiếc quần jean hay còn gọi là quần bò. Có lẽ chẳng có một mốt quần áo nào dù không thay đổi kiểu dáng mà lại vẫn mốt, vẫn là đồ thời trang sành điệu được ưa chuộng từ cả hơn một trăm năm nay như quần bò.
Câu chuyện chiếc quần Jean hay thời trang của những người thợ mỏ

      Người được tôn vinh là ông tổ phát minh ra quần bò là Levi Strauss. Thương hiệu quần bò Levi's của Levi Strauss ngày nay được đánh giá là một trong những thương hiệu hàng hoá đắt nhất thế giới, với gần 4 tỷ USD.

      Rất khó giải thích một cách đầy đủ và thuyết phục vì sao những chiếc quần bò mà Levi Strauss phát minh ra lại được ưa chuộng đến thế. Và nhất là tại sao mốt thời trang quần bò không bị lạc hậu. Đặc biệt hơn, khi sinh thời, quần bò mà Levi Strauss phát minh chỉ là đồ mặc lao động.

       Thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra trên thực tế là quần bò đã trở thành quần để chưng diện, không chỉ cho giới bình dân mà cả giới sành điệu thời trang. Quần bò của Levi Strauss đã vượt qua biên giới nước Mỹ, đổ bộ vào châu Âu, chinh phục châu Âu rồi cả thế giới.

      Từ chiếc quần bảo hộ lao động cho thợ mỏ…

      Levi Strauss vốn là người Do Thái, định cư tại Đức. Ông sinh năm 1829 tại làng Buttenheim ở phía bắc xứ Bavaria. Gia đình Strauss rất nghèo. Hai người anh lớn của Levi đã bỏ sang Mỹ kiếm sống. Năm Levi Strauss 16 tuổi, cha ông bị bệnh mất sớm, hoàn cảnh gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn.

      Năm 1847, Levi Strauss quyết định rời bỏ châu Âu để mong đổi đời ở nước Mỹ, miền đất hứa của rất nhiều người lúc đó. Cả gia đình sống nhờ cửa hàng nhỏ bán quần áo của hai người anh Jonas và Louis ở New York.

      Vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, một số mỏ vàng ở phía tây nước Mỹ được phát hiện. Và cả một làn sóng người lao động đổ xô về California đào vàng. Năm 1853, không chịu được cảnh sống nhờ hai người anh, Levi Strauss cũng bỏ nhà theo những người đào vàng đến San Fransisco. Tuy nhiên, ông không đi đào vàng mà chỉ cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những người thợ mỏ ở đây.

      Đầu tiên, ông quyết định mở cửa hàng quần áo và tạp hoá nhỏ đồng thời Levi Strauss biết chút ít may vá và nhận sửa chữa quần áo cho công nhân đào vàng.

      Cho tới một ngày, một thợ đào vàng đề nghị ông may cho một chiếc quần bảo hộ thật bền, thật chắc để mặc đi làm hàng ngày. Đúng lúc nhà hết sạch vải may quần, Levi Strauss chợt nảy ra ý tưởng lấy cuộn vải bạt, dầy và khá thô, vốn chỉ để làm buồm cho thuyền lớn hay làm lều ngủ trên đồng cỏ may quần cho thợ đào vàng.

      Chiếc quần bò đầu tiên ra đời từ đó và lúc đầu nó có màu nâu, có dây đeo và đúng là những gì mà người thợ mỏ cần. Người này mách người kia, cuối cùng Levi Strauss đã may rất nhiều quần bò cho thợ đào vàng. Khi đi mua vải, Levi Strauss chọn vải bông dầy, dệt thô và được nhuộm màu xanh.

      … thêm những chiếc đinh tán

      Một đặc tính mang lợi thế vượt trội của quần bò là rất bền, đòi hỏi các đường may phải rất chắc chắn. Levi Strauss đã phải dùng loại chỉ tốt nhất và phần lớn là may hai đường song song cách nhau chừng 5 mm. Để cho quần được bảo đảm hơn nữa ở những mối chỉ may, qua sáng kiến của Jacob Davis, ông cho đóng những đinh tán vào đó để quần không bị rách. Và thật ngạc nhiên, những chiếc quần bảo hộ lao động không chỉ bền hơn nhờ những chiếc đinh tán mà tôn thêm vẻ đẹp cho quần.

      Jacob David rất muốn đăng ký phát minh đơn giản mà có giá trị này nhưng ông không có đủ tiền để đóng phí đăng ký bản quyền. Vì vậy Jacob David đã gặp Levi Strauss đề nghị hợp tác chia sẻ phát minh của mình để cải thiện quần Jeans. Trước cơ hội kinh doanh bất ngờ, Levi Strauss đã đồng ý và lịch sử của chiếc quần bò được ưa chuộng khắp thế giới chính thức bắt đầu từ đó. Những chiếc quần bò màu xanh của Levi Strauss gần như không có mấy thay đổi cho đến nay.

      Đến chiếc quần Jeans xanh huyền thoại

      Sau khi bằng sáng chế đã được đảm bảo, Levi thuê Jacob Davis giám sát công việc sản xuất quần jeans ở nhà máy ở San Francisco. Chỉ trong thời gian ngắn, mọi tầng lớp đàn ông lao động đều mua loại quần mới này và truyền tai nhau về độ bền vô địch của nó. Ở châu Âu chiếc quần bò xanh du nhập vào khá trễ, tuy nhiên cũng không tốn nhiều thời gian, chiếc quần jeans trở thành sản phẩm tiêu dùng ưa thích ở châu Âu. Ngày nay, sản phẩm mang nhãn hiệu Levi Strauss có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới.

Ngọc Quý (ST)

Nguồn tin: vinacomin.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây