Chương trình hành động thực hiện lãnh, chỉ đạo công tác AT-VSLĐ năm 2025

Chủ nhật - 02/03/2025 21:07 1.172 0
Căn cứ kế hoạch số 39/KH-TKV, ngày 06/02/2025 của Tập đoàn về triển khai Chương trình hành động số 02/CTr-TKV, ngày 02/01/2025 thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực an toàn - vệ sinh lao động. Công ty Than Thống Nhất - TKV xây dựng chương trình hành động với các nội dụng cụ thể như sau:
Chương trình hành động thực hiện lãnh, chỉ đạo công tác AT-VSLĐ năm 2025
1. Công tác rà soát các văn bản về công tác AT-VSLĐ
- Các phòng chuyên môn thực hiện rà soát các văn bản về công tác AT-VSLĐ như: kế hoạch, quy chế, quy định phân công trách nhiệm về công tác AT-VSLĐ; các quy trình, thiết kế kỹ thuật, hộ chiếu/biện pháp thi công để bổ sung, điều chỉnh cho đúng với Quy chuẩn và quy định của TKV. Quan tâm rà soát sửa đổi, bổ sung nội quy, quy định về công tác quản lý kỹ thuật, quản lý an toàn, quản lý vận hành thiết bị Cơ điện - Vận tải cho phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành và điều kiện sản xuất của Công ty. Các quy định phải bổ sung các tình huống sự cố có thể xảy ra khi vận hành các thiết bị, hệ thống kiểm soát khí mỏ; có phương án xử lý ứng cứu phù hợp và phổ biến cho những người liên quan nắm chắc để ứng phó kịp thời, hiệu quả.
- Tiếp tuc triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Hội đồng thành viên, cơ quan điều hành Tập đoàn; cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác AT-VSLĐ.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về AT-VSLĐ
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện đối với CBCNV về công tác AT-VSLĐ. Đảm bảo tính kịp thời, chính xác, phù hợp với các quy định của pháp luật Nhà nước. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ứng xử trong lao động sản xuất là nòng cốt để xây dựng văn hóa an toàn lao động.
- Đối với các đơn vị, cần cập nhật, bám sát các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Công ty để thường xuyên tuyên truyền, giáo dục CBCNV thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ.
- Phát huy tính gương mẫu, đi đầu trong Cán bộ, Đảng viên về thực hiện công tác AT-VSLĐ, phòng chống cháy nổ, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt, cảnh báo nguy cơ mất an toàn và biện pháp loại trừ đầu ca đến người lao động.
- Phòng An toàn - BHLĐ phối hợp với các phòng chuyên môn thường xuyên cập nhật thông tin về công tác AT-VSLĐ trong Tập đoàn và Công ty để tuyên truyền, phổ biến rút kinh nghiệm. Tăng cường phương pháp tuyên truyền, huấn luyện trực quan bằng hình ảnh trên ti vi lắp đặt tại nhà nhật lệnh các đơn vị. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện để nâng cao hiệu quả, chất lượng. Nội dung thông tin đầy đủ, ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
- Phòng TCLĐ phối hợp với các phòng chức năng tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, kèm cặp để nâng cao trình độ bậc thợ cho công nhân.
- Nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo công ty để thực hiện phương pháp tuyên truyền, huấn luyện bằng hình thức thi trả lời trắc nghiệm có thưởng để định hướng tư duy và khắc sâu tiềm thức người lao động kiến thức về AT-VSLĐ.
- Các đơn vị xây dựng các tổ đội, cá nhân điển hình tiên tiến, nêu gương “người thợ mỏ - người chiến sỹ”; phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất trong đơn vị.

3. Công tác về tư vấn, áp dụng công nghệ
- Đẩy mạnh việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động để tăng năng suất, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn. Tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
- Mở rộng và nâng cấp hệ thống giám sát khí mỏ tập trung tự động đảm bảo đầy đủ các tính năng đồng bộ với hệ thống đang hoạt động, khả năng tích hợp giám sát tình trạng hoạt động của quạt cục bộ.
- Tiếp tục rà soát, đầu tư thiết bị vận tải phù hợp để cải thiện điều kiện đi lại, làm việc cho người lao động, đảm bảo người lao động đi lại và vận chuyển thủ công vật tư, vật liệu theo đúng chỉ đạo của Tập đoàn.
- Cơ giới hóa, Tự động hóa, Tin học hóa tiến tới số hóa trong các dây chuyền sản xuất, trong quản lý điều hành sản xuất; quan tâm triển khai áp dụng Tin học hoá trong quản lý công việc và thực hiện mục tiêu chuyển đổi số theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn.
- Định hướng triển khai áp dụng một số phần mềm chuyên dụng như:
+ Liên thông giữa phần mềm Ca lệnh sản xuất với phần mềm quản lý vật tư, phần mềm quản lý nhân sự.
+ Phần mềm kiểm soát người ra, vào lò có kết nối liên thông với phần mềm Ca lệnh sản xuất, phần mềm quản lý nhân sự.
+ Phần mềm quản lý, theo dõi sửa chữa, bảo dưỡng đầu đo khí tự động, máy đo khí tự động.
+ Phần mềm theo dõi, quản lý cột thuỷ lực...

4. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hiện trường
- Tăng cường công tác kiểm tra hiện trường, để phát hiện các nguy cơ mất an toàn, có biện pháp khắc phục kịp thời; sau kiểm tra phải có kết luận về trách nhiệm, tiến độ khắc phục các tồn tại và phúc tra việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra; xử lý nghiêm những người vi phạm.
- Quản đốc các Phân xưởng phải chủ động chỉ đạo quyết liệt trong việc tổ chức các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc và VSCN tại đơn vị; quyết liệt trong công tác quản lý, chỉ huy sản xuất đối với đội ngũ cán bộ cấp dưới trong lĩnh vực AT-VSLĐ: từ việc ra Nhật Lệnh, Ca lệnh, bàn giao ca; cán bộ phải cảnh báo, dự báo được những vị trí có nguy cơ mất an toàn, rủi ro cao trong ca để có biện pháp xử lý, khắc phục, phòng tránh. Yêu cầu công nhân thực hiện nghiêm túc nội quy lao động, quy trình, quy định an toàn, tuân thủ biện pháp thi công, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác nghiệm thu sản phẩm, nghiệm thu sau lắp đặt thiết bị.
- Duy trì việc rà soát, đánh giá nguy cơ mất an toàn tại hiện trường sản xuất hàng ca, hàng ngày đối với cấp đơn vị. Tuyên truyền rộng rãi đến CBCN trong đơn vị, tổ chức tốt công tác kiểm tra, kiểm soát nguy cơ mất an toàn tại hiện trường sản xuất hàng ca, hàng ngày để cảnh báo đến người lao động trong ca.
- Tiếp tục chỉ đạo kiểm tra hiện trường với mật độ dày, tăng cường kiểm tra đột xuất ca2, ca3 từ các phòng chuyên môn Công ty đến các Phân xưởng. Quá trình kiểm tra phải tỷ mỷ, phản ánh trung thực, phát hiện kịp thời những nguy cơ, rủi ro, gây mất an toàn trong quá trình sản xuất. Đôn đốc cán bộ, công nhân trong đơn vị thực hiện đúng hộ chiếu, biện pháp thi công, thực hiện KTCB, VSCN nơi làm việc. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm những vi phạm về công tác AT-VSLĐ. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, lệnh sản xuất. Các vị trí có nguy cơ mất an toàn, các vị trí chưa được khắc phục các tồn tại kiên quyết tạm dừng sản xuất để khắc phục đảm bảo an toàn mới tổ chức sản xuất.
- Đặc biệt quan tâm, quản lý chặt chẽ về các công tác đã được Công ty quy định cụ thể như: công tác quản lý khí mỏ, quản lý lò dừng, tạm dừng sản xuất; công tác kiểm soát áp lực mỏ; công tác quản lý, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN; công tác khoan thăm dò và phòng chống bục nước; các máy, thiết bị làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và thiết bị cơ điện vận tải.
- Thành lập Đoàn kiểm tra các chuyên đề theo từng tháng, Đoàn kiểm tra do Phó Giám đốc là trưởng đoàn.

5. Công tác diễn tập ƯCSC-TKCN
- Lập kế hoạch, triển khai chương trình diễn tập giả định ƯCSC-TKCN tại 01 Phân xưởng theo tình huống giả định trong kế hoạch ƯCSC-TKCN được TKV phê duyệt, tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm cho mỗi đợt diễn tập, khắc phục các tồn tại trong quá trình diễn tập.
- Thường xuyên rà soát, bổ sung phương án ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn; việc phối hợp với địa phương, với các đơn vị bạn trong phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
- Chú trọng đầu tư trang thiết bị, phương tiện cứu nạn cho Đội cấp cứu mỏ bán chuyên của công ty theo đúng quy định của Tập đoàn tại Quyết định số 1124/QĐ-TKV, ngày 13/7/2022.

6. Công tác kỷ cương, kỷ luật điều hành sản xuất
- Quản đốc, Phó Quản đốc phải nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu trong hoạt động điều hành sản xuất của Phân xưởng, đặc biệt là việc kiểm soát hiện trường sản xuất. Quản đốc tăng cường kiểm tra hiện trường sản xuất vào ca 2, ca 3 tối thiếu 01 lần/tuần. Các vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất phải thông báo, phối hợp với các Phòng chuyên môn xử lý dứt điểm ngay để duy trì tốt điều kiện làm việc cho người lao động.
- Việc tận thu than thu hồi tại các lò chợ phải được thực hiện triệt để không để lãng phí tài nguyên.
- Các Phân xưởng phải thực hiện nghiêm túc các Lệnh, Chỉ thị, Quy định của Công ty ban hành. Phải thực hiện đúng, đủ các biện pháp kỹ thuật an toàn trong Lệnh chỉ đã ban hành. Các cán bộ chỉ huy sản xuất phải ghi nhớ: “Mỗi Lệnh sản xuất, quy trình công nghệ đều đã được đúc kết qua thời gian, được viết lên từ mồ hôi và cả máu của người thợ Than Thống Nhất”.
- Công tác nghiệm thu sản phẩm phải được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, đủ 3 bước: Phó Quản đốc, Tổ trưởng nghiệm thu sản phẩm của người lao động; Quản đốc nghiệm thu lại sản phẩm người lao động đã bàn giao cho cho Phó Quản đốc, Tổ trưởng; Công ty nghiệm thu sản phẩm của Phân xưởng./.

Huy Tuấn

Ghi rõ nguồn "Than Thống Nhất - TKV" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây