Thêm chính sách "kích cầu" học nghề

Thứ tư - 09/01/2019 13:03 849 0
Những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp, dự án đầu tư triển khai trên địa bàn tỉnh ngày một tăng nhanh, kéo theo đó là sự tăng đột biến của nhu cầu lao động. Để góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngày 7/12/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 140/2018/NQ-HĐND điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh.
Sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn trong giờ thực hành nghề công nghệ ô tô.
Sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn trong giờ thực hành nghề công nghệ ô tô.

      Ngày 12/12/2015, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 220/2015/NĐ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 7 nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo được hỗ trợ của tỉnh, gồm: Kỹ thuật chế biến món ăn, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lưu trú, quản trị khách sạn, quản trị khu resort, điều khiển tàu biển, phòng và chữa bệnh thủy sản. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo các nghề khuyến khích, tính đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh mới chỉ có 9/14 địa phương thực hiện hỗ trợ cho 83 người với kinh phí là trên 272 triệu đồng. Mặc dù các sở, ngành, địa phương đã quan tâm triển khai thực hiện, thường xuyên thông tin, tuyên truyền tới người học, song số lượng học sinh tham gia học nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh chưa cao, số người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chưa nhiều. Tình trạng này xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể, như: Các nghề thuộc danh mục khuyến khích đào tạo chưa đa dạng; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập; một số địa phương còn lúng túng trong khâu hướng dẫn, triển khai thực hiện trong khi người dân chưa có nhiều thông tin về chính sách; người học, gia đình và xã hội cũng chưa nhận thức đúng, đủ về học nghề lập nghiệp…

      Trong khi đó, theo kết quả khảo sát thực tiễn nhu cầu lao động qua đào tạo tại 223 đơn vị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, nhà đầu tư, cho thấy: Nhu cầu nhân lực tại các doanh nghiệp đến năm 2020 là 23.990 người, trong đó người có trình độ cao đẳng là 445 người (chiếm 1,9%), người có trình độ trung cấp là 759 người (chiếm 3,2%), người có trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 4.712 người (chiếm 15,2%)... Trên cơ sở này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 140/2018/NQ-HĐND điều chỉnh chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 2 nghề được đưa ra khỏi danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh là nghề quản trị khu resort và phòng, chữa bệnh cho thủy sản, đồng thời bổ sung thêm 5 nghề khuyến khích đào tạo, gồm: Hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, du lịch lữ hành và nghiệp vụ nhà hàng khách sạn. Thêm điểm mới nữa, bên cạnh cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các học sinh, sinh viên học những nghề này tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ học phí học nghề trình độ cao đẳng bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng, trình độ trung cấp bằng 40% mức lương cơ sở/người/tháng.

undefined
Sinh viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long, thực hành trang trí các món ăn

      Không chỉ giúp người học tăng cơ hội lựa chọn ngành nghề, việc điều chỉnh chính sách khuyến khích học nghề của tỉnh đã góp phần tháo gỡ phần nào những khó khăn đang hiện hữu tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tìm hiểu ở Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn, hiện trường có 6 nghề giảng dạy đạt cấp độ quốc tế: Hàn, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, chế biến món ăn... Để thu hút được người học, thời gian qua, trường đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên, như: Đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức cho học sinh THPT trải nghiệm cơ sở vật chất của nhà trường; khen thưởng cho giáo viên tuyển được nhiều sinh viên... Tuy nhiên, những năm qua, tỷ lệ tuyển sinh của nhà trường vẫn khá thấp. Đơn cử, nghề hàn, điện tử công nghiệp mỗi năm chỉ có 5-10 sinh viên đăng ký; nghề công nghệ ô tô, điện công nghiệp hay kỹ thuật chế biến món ăn khá hơn cũng chỉ được 30-40 sinh viên/lớp. Chính vì vậy, Nghị quyết 140 được ban hành vào thời điểm này đã mang lại nhiều hy vọng khởi sắc trong vấn đề tuyển sinh của nhà trường.

      Ông Lưu Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường có 3/5 nghề vừa được bổ sung vào danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh. Với mức hỗ trợ 40-50% mức lương cơ sở, người học sẽ được hỗ trợ gần gấp đôi số tiền học phí 1 năm hiện tại của trường. Không những không mất tiền đóng học phí, người học còn có thêm 1 khoản để trang trải cho chi phí sinh hoạt hằng ngày. Tin rằng, chính sách hỗ trợ ưu đãi như vậy sẽ “kích cầu” được người học, tạo cú huých mới trong công tác tuyển sinh của nhà trường để từ đó trường nâng cao chất lượng đầu vào, dẫn đến tăng chất lượng nguồn nhân lực theo mục tiêu quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn”.

HĐ (ST)

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn

Ghi rõ nguồn "Than Thống Nhất - TKV" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây