Phòng bệnh rối loạn tiêu hóa

Thứ sáu - 15/02/2019 15:44 1.350 0
Sau tết, một trong những bệnh dễ gặp nhất với nhiều người là rối loạn tiêu hóa. Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Trần Khanh - Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để giúp bạn đọc hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi bị bệnh này.
iểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
iểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

      - Xin bác sĩ cho biết những triệu chứng nào được coi là rối loạn tiêu hóa?

      + Việc tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng phần lớn là nhờ hệ vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) trong đường ruột. Lợi khuẩn không những tiết ra các enzym tiêu hóa thức ăn, mà còn là cán cân giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh và tốt nhất là đạt tỷ lệ vàng: 85% lợi khuẩn - 15% vi khuẩn gây hại.

      Vào những ngày tết hoặc ngay sau tết, người Việt thường có thói quen ăn uống thất thường, ăn uống không đúng bữa, bỏ bữa sáng và ăn nhiều bữa trong ngày. Thậm chí, cả ngày chỉ ăn 1 bữa, còn lại là ăn uống lặt vặt. Ăn các loại bánh, giò, chả, thịt để tủ lạnh lâu ngày hay ăn phải loại bánh, kẹo, mứt có chứa nhiều chất bảo quản. Lượng rau xanh ăn trong ngày tết so với ngày thường lại ít hơn nhiều. Cùng với đó, trong các bữa ăn ngày tết và sau tết thường kèm đồ uống như nước ngọt có ga, rượu, bia… Đây là những nguyên nhân gây nên tình trạng loạn khuẩn, khiến tỷ lệ vàng giữa lợi khuẩn và vi khuẩn gây hại bị phá vỡ, dẫn đến các rối loạn tiêu hóa.

      Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thường là: Đau bụng âm ỉ; có khi đau bụng dữ dội, đau quặn, nôn, đi ngoài không ổn định, lúc lỏng, lúc táo, phân sống, đi đại tiện nhiều lần trong ngày, cảm giác mót rặn, đầy bụng, khó tiêu, khó trung tiện... Với trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Ở một số người, các triệu chứng này có thể tự khỏi. Tuy nhiên, phần lớn phải dùng thuốc điều trị.

      - Khi bị rối loạn tiêu hóa, cần xử lý thế nào, thưa bác sĩ?

      + Khi bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, mọi người chỉ điều trị triệu chứng như: Dùng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận tràng để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa có thể lặp lại ngay sau khi ăn uống không cẩn thận; thậm chí những triệu chứng còn trở nên trầm trọng và kéo dài hơn, có thể dẫn đến các bệnh đường ruột nguy hiểm. Bởi vậy, để điều trị tận gốc triệu chứng rối loạn tiêu hóa phải bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột.

      Bổ sung lợi khuẩn từ các loại men vi sinh là một trong những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa và giảm dần cho đến hết các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Lợi khuẩn còn giúp xử lý, phân hủy các chất độc hại, chất béo, cồn từ rượu bia, giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh.

      Với trẻ bị rối loạn tiêu hóa, các gia đình cần phải kiểm soát chế độ ăn uống của trẻ, xem bé có ăn món gì lạ, bất thường như chua quá, ngọt quá, nhiều mỡ quá, thức ăn để lâu ngày không đảm bảo... thì ngừng cho ăn ngay. Cùng với đó, cần đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ: Thức ăn phải cung cấp đủ 4 nhóm chất: Năng lượng (gạo, khoai, mì…); chất đạm (thịt, cá, trứng…); chất béo (mỡ động vật, sữa, các loại hạt có dầu…); vitamin và khoáng chất (các loại rau xanh). Đặc biệt cần cho trẻ ăn nhiều hoa quả. Chế biến thức ăn cho trẻ dưới dạng dễ tiêu hóa như: Cháo, súp… Bổ sung các thực phẩm chứa các loại vi khuẩn có lợi như sữa chua, váng sữa. Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ nên bổ sung thêm men vi sinh cho trẻ để hỗ trợ hệ tiêu hóa.

      Nếu bé có những triệu chứng như đi ngoài nhiều lần, ra máu, nôn, sốt cao... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị tốt nhất.

th2
Nội soi tiêu hoá tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

      - Xin bác sĩ cho biết các biện pháp để phòng rối loạn tiêu hóa?

      + Để phòng rối loạn tiêu hóa, mọi người cần duy trì tốt chế độ ăn uống hằng ngày; đảm bảo ăn đủ bữa, đủ chất, ăn chín, uống sôi. Không nên sử dụng thực phẩm để bảo quản quá lâu trong tủ lạnh, thực phẩm ôi, thiu, mốc. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế uống các loại nước ngọt có ga, bia, rượu...

      Với trẻ nhỏ, ngoài đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Thường xuyên rửa tay cho bé bằng xà phòng diệt khuẩn. Vệ sinh tất cả đồ chơi của trẻ. Người lớn hay tiếp xúc với trẻ cần giữ sạch sẽ. Chọn thực phẩm tươi sống, chế biến đúng cách, tránh gây nhiễm bẩn thức ăn...

      - Xin cám ơn bác sĩ!

NQ (ST)

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây