Hơn 100 năm qua, phụ nữ thế giới đã không ngừng khẳng định những bước tiến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Phụ nữ quốc tế với vấn đề bình đẳng giới
Trong một thời gian dài, phận làm nữ chịu nhiều thiệt thòi do tư tưởng trọng nam khinh nữ. Thời kỳ Hy Lạp cổ đại, Lysistrata đấu tranh chống lại nam giới để chấm dứt chiến tranh. Thế kỷ XIV, nữ huyền học người Italia Catherine de Sienne đã viết 381 bức thư gửi các nhân vật quyền lực nhất trong Giáo hội đòi nhân quyền cho nữ giới. Thế nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX, cuộc đấu tranh của phụ nữ mới diễn ra mạnh mẽ.
Vào thời điểm đó, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh, nhất là ở Mỹ. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị hút vào các nhà máy, và bị giới chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt. Đời sống của phụ nữ và trẻ em vô cùng khổ cực. Căm phẫn trước sự đè nén và áp bức đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại các thành phố Chicago và New York (Mỹ) đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù giới chủ tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh, buộc họ phải nhượng bộ.
Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2 năm 1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ”. Các cuộc mít tinh, biểu tình đã diễn ra rầm rộ đòi giảm giờ làm việc, tăng lương và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Khẩu hiệu của họ là “Bánh mì và hoa hồng” (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn. Tại New York, hơn 3.000 chị em dự cuộc họp đòi chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, trong đó có phong trào đấu tranh của phụ nữ Đức.
Trong phong trào đấu tranh giai cấp ở Đức lúc đó, đã xuất hiện hai nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cola ra Zétkin (người Đức) và bà Rôgia Lúcxămbua (người Ba Lan). Hai bà đã thấy được sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng lao động phụ nữ và thấy sự cần thiết phải tổ chức, lãnh đạo họ để giành thắng lợi cho cách mạng vô sản. Do đó, năm 1907, hai bà cùng với bà Crúpxkaia, vợ của Lênin, vận động thành lập Ban thư ký phụ nữ quốc tế để lãnh đạo phong trào phụ nữ.
Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN tại Copenhagen, Ðan Mạch, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm Ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, với các khẩu hiệu:
- Ngày làm việc 8 giờ.
- Việc làm ngang nhau.
- Bảo vệ người mẹ và trẻ em.
Ngày 8/3/1911, hơn một triệu phụ nữ tại Mỹ, Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ tham gia tổ chức Ngày quốc tế phụ nữ đầu tiên.
Năm 1912, 14.000 công nhân hãng dệt tại Mỹ đình công và hô vang khẩu hiệu “Better to starve fighting than starve working” (Chết đói vì chiến đấu hơn là chết đói vì làm việc). Nữ công nhân đã nghỉ việc 3 tháng. Sự can đảm của họ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhà thơ Mỹ James Oppenheim viết bài thơ Bread and Roses. Bài thơ này sau đã được phổ nhạc và thường được hát trong Ngày quốc tế phụ nữ.
Năm 1914, các đại diện của phụ nữ Đức đã nêu ra yêu sách với Nghị viện Phổ đòi quyền đi bầu cử cho nữ giới. Từ đó, ngày 8/3 thường niên trở thành ngày tranh đấu cho nữ quyền trên toàn thế giới.
Năm 1917, các phụ nữ Nga đã ra đường biểu tình đình công, đòi bánh mì và đòi trả chồng con họ trở về từ chiến trận. Cuộc đình công này đã khiến Nga hoàng Nikolai II phải thoái vị và góp phần rất lớn vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga.
Các cuộc mít tinh diễu hành tiếp tục diễn ra vào ngày 8/3 hàng năm. Cuối năm 1945, Hội nghị quốc tế phụ nữ đã quyết định thành lập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới. Đây là một tổ chức rộng rãi bao gồm phụ nữ các ngành nghề, không phân biệt chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, chính kiến, đấu tranh bảo vệ các quyền bình đẳng, chống áp bức bóc lột. Liên đoàn đã đưa ra các yêu sách đòi nam nữ cần được trả lương ngang nhau, đòi ban hành các chính sách Bảo hiểm cho lao động phụ nữ, những biện pháp bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Năm 1953, Đại hội quốc tế phụ nữ đã thông qua bản "Tuyên ngôn về quyền phụ nữ", nêu lên các yêu sách cơ bản và đồng thời là cương lĩnh đấu tranh của phụ nữ thế giới. Số thành viên tham gia vào Liên đoàn ngày càng đông, đặc biệt phụ nữ các nước mới giành được độc lập ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phong trào. Năm 1975 được coi là "Năm quốc tế phụ nữ" nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh của phụ nữ thế giới.
Mãi đến năm 1977, Liên Hợp Quốc mới chính thức hóa Ngày quốc tế phụ nữ. Bất chấp những khác biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, sắc tộc và ngôn ngữ, Ngày quốc tế phụ nữ là ngày toàn cầu tôn vinh những thành tựu và sự cống hiến của phụ nữ cho nhân loại. Đây là dịp biểu dương ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội, vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Nội dung Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm “phát triển”, khái niệm “giới”. Vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã trở thành một vấn đề toàn cầu.
Hàng năm, các chính phủ, tổ chức quốc tế, các tổ chức của phụ nữ trên thế giới đều chọn các chủ đề khác nhau cho ngày lễ này của phụ nữ toàn cầu.
Những ngày “Tết” Phụ nữ
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, phụ nữ luôn được tôn trọng, tôn vinh qua những ngày Tết được dành riêng cho họ. Dưới đây là một số ngày Tết với những tập tục riêng của chị em phụ nữ ở các nước.
Tết nữ Thị trưởng
Tết này diễn ra ở Tây Ban Nha vào tháng 2 hàng năm. Đây là thời điểm, chị em phụ nữ tạm gác mọi công việc nội trợ bận rộn hàng ngày lại để vui chơi thoải mái và nắm quyền điều hành thị trấn. Ai không chấp thuận sẽ bị coi là người nhu nhược.
Cũng tương tự như thế, trong ngày Tết Papu của người Hy Lạp, các chị em phụ nữ tha hồ vui chơi. Nam giới phải ở nhà đảm nhận công việc nội trợ, không được nghe ngóng về những hoạt động của chị em phụ nữ. Ai vi phạm sẽ bị phụ nữ bắt đi hỏi tội.
Tết Phụ nữ
Ngày 8-3 hàng năm, trên khắp thế giới là ngày Tết của chị em phụ nữ hay còn gọi là Ngày Quốc tế Phụ nữ. Vào ngày này chị em phụ nữ thường được phái nam tặng hoa hoặc những món quà đầy ý nghĩa.
Ở Việt Nam, cũng thường tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày này vì đây cũng chính là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – hai vị Nữ Anh hùng dân tộc có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi giang sơn đất Việt.
Ngoài ngày 8/3, hàng năm ở Việt Nam còn có thêm ngày 20/10 là Ngày Phụ nữ Việt Nam. Ngày này cũng được tổ chức trọng thể và chính là sự ghi nhận của đất nước với những người phụ nữ Việt Nam đã vinh dự được Bác Hồ tặng Tám chữ vàng: Cần cù, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang.
Tại Nepal, Tết Phụ nữ diễn ra vào tháng 4 hàng năm và kéo dài liên tục trong 3 ngày. Những ngày này, ở Thủ đô Kathmandu phụ nữ mặc quần áo đẹp đi trẩy hội. Sau khi ăn bữa cơ thịnh soạn do người chồng tự mua sắm và nấu nướng, mọi người đều hát vang bài ca ngợi thần thánh. Một số phụ nữ ngày thường hay bị chồng đối xử thô bạo thì tới các đền miếu “tuyệt thực” cho tới lúc người chồng tới thề trước thần linh là sẽ không bao giờ dám hành động như thế nữa, mới chịu thôi “tuyệt thực” để trở về nhà.
Tết Chào đón ánh sáng
Ngày 13/12 hàng năm là Tết Chào đón ánh sáng của người dân Thụy Điển, còn gọi là Ngày Lucia. Theo tương truyền, Lucia là phu nhân của một vị quan thời Đế quốc La Mã, sống vào khoảng thế kỷ II sau Công Nguyên. Bà là tín đồ đạo Cơ đốc nhưng bị nhà cầm quyền La Mã làm hỏng đôi mắt. Trong mù lòa, bà vẫn gắng sức chạy chữa để tìm lại bằng được ánh sáng và cuối cùng bà cũng đã khôi phục lại được thị lực cho mình. Từ đó, cứ vào dịp này, để kỷ niệm sự kiện bà Lucia tìm lại được ánh sáng, những người phụ nữ Thụy Điển đều thắp nến xung quanh nhà và chuẩn bị một bữa cơm để mời cả nhà cùng ăn vào lúc trời còn tờ mờ sáng.
Tại Stockholm còn tổ chức thi chọn “Tiểu thư Lucia”. Khi lễ hội tuyển chọn kết thúc, cả nước đều ngưng việc để chúc mừng. Tiểu thư Lucia ăn mặc chỉnh tề, trên mũ có thắp nến, cưỡi ngựa, đi xung quanh là đội danh dự nữ nhi đồng mặc quần áo toàn màu trắng, diễu hành rầm rộ và trang trọng qua các đường phố.
Ngày của mẹ
Vào Chủ nhật tuần thứ hai của tháng 5 hàng năm, tại Mỹ và Canada, mọi người trong nhà đều làm mọi việc để cho các bà mẹ được vui lòng nhất, đồng thời có quà quý mang đến chúc mừng mẹ để biểu thị lòng biết ơn và kính trọng của mình.
Ở Cộng hòa Trung Phi, tết này diễn ra vào ngày 29/5 hàng năm. Các bà mẹ ăn mặc sang trọng bế con đi diễu hành trên đường phố một cách trọng thể. Các vị lãnh đạo đất nước đều tham dự các cuộc mít tinh, hội họp và các hoạt động để chúc mừng các bà mẹ.
Tại Humburg (CHLB Đức), Tết Mẫu thân diễn ra từ ngày 23/8 đến 13/9 hàng năm. Nhiều đoàn nghệ thuật của tổ chức phụ nữ lần lượt biểu diễn tại các nhà hát trong thành phố các tiết mục về sự bình đẳng nam nữ.
Tại Thái Lan, Tết Mẫu thân lại diễn ra vào ngày 12-8 hàng năm. Vào ngày này, các cơ quan, trường học đều có những hoạt động sôi nổi để chúc mừng các bà mẹ và cũng để nhắc nhở mọi người không được quên công lao nuôi dạy của các bà mẹ.
Tại Nhật Bản, Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 10 mới là Tết Mẫu thân. Những người có mẹ đang còn khỏe mạnh thì chọn hoa hồng để tặng mẹ, những người đã mất mẹ thì chọn hoa trắng để đặt lên mộ mẹ mình trong ngày này.
Tết Thiếu nữ
Ở Nhật Bản, Tết Thiếu nữ còn gọi là Tết Con gái được tổ chức vào ngày 3/3 hàng năm. Vào dịp này khi Hoa đào của Nhật Bản nở, mọi người coi đó là Tết Hoa đào. Các cô gái trẻ trang điểm thật đẹp đón ngày Tết của mình.
Trong ngày này, các cô gái không phải làm bất cứ việc gì, được nhận quà tặng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp được đi chơi vui vẻ mà không bị cấm đoán, hạn chế về thời gian...
Tết bách nữ
Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 5 hàng năm là Tết bách nữ của thị trấn Mangochan ở Tây Ban Nha. Các cô thiếu nữ đã đính hôn mặc những bộ quần áo trắng tinh, tay cầm những nhành nho tươi đẹp cùng nhau cắm lên trên gò đồi ở ngoại ô thị trấn để cầu khấn cho mình được sống hạnh phúc trong tương lai./.