Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy được các nước ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (các chất POP) gây ra. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.
Ngày 02/4/2018, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường công nghiệp ban hành Công văn số: 2487/BCT-ATMT về việc triển khai kế hoạch thực hiện Công ước Stockholm theo Quyết định số: 1598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghiên cứu, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện một số công việc sau:
Một là: Rà soát, kiểm kê, đánh giá các chất POP sử dụng trong sản xuất; kiểm kê, phát thải POP phát sinh không chủ định (UPOP) trong sản xuất; thực hiện các biện pháp nhằm xử lý, giảm thiểu, thay thế các chất POP trong sản xuất của đơn vị;
Hai là: Thực hiện ưu tiên Giảm sử dụng các vật liệu, sản phẩm chứa các hóa chất thuộc nhóm POP-BDE, HBCD, PFOS và PFOSF tại đơn vị và lựa chọn các giải pháp thay thế theo Phụ lục 2 kèm theo Quyết định số: 1598/QĐ-TTg ngày 17/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ với một số chương trình cụ thể:
- Quản lý an toàn, kiểm soát ô nhiễm và giảm tác động của PCB đối với môi trường và sức khỏe;
- Giảm sử dụng các vật liệu, sản phẩm chứa các hóa chất thuộc nhóm POP – BDE, HBCD, PFOS và PFOSF và lựa chọn các giải pháp thay thế;
- Giáo dục truyền thông cho CBCNV về rủi ro của các chất POP đối với môi trường và sức khỏe con người.
Trên đây là một số nội dung TKV yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc theo Công ước Stockholm và có báo cáo kết quả thực hiện về Ban MT – TKV trước ngày 20/12/2018.
Văn bản chi tiết kèm theo số 3198/TKV-MT ngày 19/6/2018./.