Vụ thứ nhất tại Công ty Than Hòn Gai: Vào ca l ngày 26/4/2023, một công nhận được giao củng cố, khấu chống lò chợ ngang nghiêng mức -180 Block2 vỉa 5 Bình Minh, trong lúc đang củng cố thì bị tụt lở dẫn đến tử vong.
Vụ thứ hai tại Công ty CP Than Vàng Danh: Vào ca 3 ngày 03/5/2023, một công nhận được phân công khẩu than lò chợ I-5-1 trụ Khu I giếng Vàng Danh (chống giữ bằng giàn mềm ZRY), sau khi bắn mìn xong, trong lúc đang tải than thì bị than đá ở mặt gương trượt lở đập vào người dẫn đến tai nạn lao động, nạn nhân được đưa đi bệnh viện cấp cứu và điều trị nhưng đến ngày 06/5/2023 thì tử vong.
Tại Công ty Than Thống Nhất, trong tháng 4 cũng xảy ra sự việc công nhân Trần Minh Tuấn thuộc PX VTL2 vào ca 2 ngày 24/4/2023 khi đóng cóc hãm cho xe goòng có tải trong quang lật, do không đóng được cóc hãm lên đã ra tín hiệu cho công nhân vận hành tời kéo xe goòng phía sau dồn dịch đẩy vào xe goòng trong quang lật, trong lúc xe goòng phía sau dồn lên, công nhân Tuấn đang đứng ở vị trí giữa hai xe goòng (đứng sai vị trí) lên bị xe goòng phía sau đâm vào người, đẩy ép công nhân Tuấn kẹp vào giữa xe goòng trong quang lật và khung quang lật gây tai nạn.
Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, nhằm hạn chế, giảm thiểu tai nạn lao động, sự cố; đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện kiểm tra, giám sát tại các đơn vị trong toàn Công ty.
Giám đốc Công ty yêu cầu các đơn vị thực hiện triển khai nghiêm túc một số việc sau:
Đối với các Phân xưởng
Phổ biến và nghiêm túc rút kinh nghiệm cho toàn thể CBCN trong Phân xưởng về 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra trong Tập đoàn, qua đó liên hệ với đặc thù công việc của Phân xưởng để có biện pháp phòng ngừa, khắc phục những thiếu sót không để xảy ra các vụ tai nạn có tính chất lặp lại.
Nghiêm túc thực hiện công tác tự kiểm tra của đơn vị, việc kiểm tra tại hiện trường sản xuất của cán bộ chỉ huy từ Quản đốc, Phó Quản đốc, Lò trưởng đến Tổ trưởng và cả người lao động trước và trong quá trình làm việc phải đảm bảo phát huy hiệu quả để phát hiện những tồn tại, sai phạm từ đó kịp thời khắc phục xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.
Quản đốc các Phân xưởng phải quán triệt và yêu cầu CBCN trong đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh nội quy lao động, các quy trình, quy định an toàn; đặc biệt là đối với các tuyến lò vận tải đầu chợ, chân chợ; các đường lò thượng dốc hiện đang thi công cần phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện kỹ thuật cơ bản; kiên quyết không bố trí phân công người lao động làm việc tại những vị trí không đảm bảo các điều kiện an toàn.
Công tác nhận lệnh phải thể hiện đầy đủ các nội dung công việc, nhân lực, vị trí làm việc kể cả các công việc kiêm nhiệm.
Đối với các Phân xưởng Khai thác và Đảo lò: Tiến hành kiểm tra, rà soát lại hiện trạng số cột chống thủy lực tại các lò chợ; các vị trí khám đầu chợ, chân chợ những vị trí nào hiện đang thiếu cột, cột hỏng tụt áp phải thực hiện bổ sung thay thế kịp thời đủ số lượng cột đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Phải tổ chức khao om gương triệt để, không để tụt lở mặt gương, củng cố giữ nóc chắc chắn đảm bảo KT-AT xong mới thực hiện các công việc tiếp theo. Khi đứng thao tác công nhân phải chọn vị trí chắc chắn đảm bảo an toàn, không được đứng quay lưng vào gương. Quá trình làm việc phải thường xuyên theo dõi tình trạng biến động của đất đá để kịp thời có biện pháp phòng ngừa. Làm việc tại các tuyến thượng vận tải phải thực hiện nghiêm túc theo Quy định số: 1385/QD-VTNC ngày 07/3/2022.
Tất cả các vị trí thi công đào lò, chống xén phải đảm bảo có sàn thao tác theo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra xiết chỉnh gông văng, củng cố đường lò; trước khi thi công phải chuẩn bị đủ vật tư cần thiết, thực hiện ốp cáp điện và cáp tín hiệu, khao om than đá gương, nóc triệt để, sang đủ chèn theo đúng hộ chiếu đã ban hành.
Công tác VSCN phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thi công đến đâu phải sắp xếp gọn gàng các loại vật tư, tháo nhổ sạch vì chống cũ chuyển ra nhập kho công ty ngay; xúc tẩy hạ nền đúng thiết kế. Các vị trí sản xuất phải được bố trí khoa học, nhịp nhàng, tuân thủ theo đúng quy trình công nghệ ban hành kèm theo Quyết định số: 10250/QĐ-VTNC ngày 29/12/2022.
Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng, lắp đặt các thiết bị cơ điện, vận tải của đơn vị như: tời kéo thiết bị, máng cào, khởi động từ, quạt cục bộ... kiên quyết tạm dừng hoạt động các thiết bị không đảm bảo điều kiện KTAT để tổ chức sửa chữa, khắc phục đảm bảo mới được vận hành. Bố trí lắp đặt đủ nguồn điện dự phòng cho các thiết bị vận tải và quạt thông gió.
Đối với Phân xưởng VTL1, VTL2: Khi bố trí công nhân làm các công việc như: vận chuyển, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị... phải đảm bảo đúng ngành nghề, bậc thợ, trình độ tay nghề, am hiểu các yêu cầu về KTAT của từng công việc. Kiên quyết không bố trí công nhân chưa được đào tạo, huấn luyện, sát hạch hoặc chưa hiểu biết về yêu cầu KTAT làm các công việc trên.
Công nhân trước khi vận hành thiết bị phải kiểm tra các điều kiện an toàn theo quy định, đảm bảo có đầy đủ hệ thống tín hiệu như: chuông, đèn báo...để cảnh báo người làm việc trong khu vực. Khi vận hành thiết bị phải tuân thủ đúng quy trình, không được cố ý làm tắt, cắt xén hoặc làm việc theo cảm tính.
Phó Quản đốc Cơ điện phải thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra KTAT các máy, thiết bị, hệ thống điện tại hiện trường sản xuất. Hàng ca, khi nhật lệnh sản xuất cán bộ chỉ huy phải ghi rõ nội dung công việc, vị trí làm việc trong sổ ca lệnh; phải dự báo nguy cơ mất an toàn và biện pháp phòng ngừa cho từng công việc cụ thể.
Đối với các Phòng chức năng
Phòng CV, AT, ĐKSX, KCM căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiểm soát hiện trường sản xuất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy trình KTAT của CBCN. Vị trí nào không đảm bảo điều kiện cho thiết bị làm việc, không đảm bảo KTCB - VSLĐ hoặc không thực hiện theo đúng Lệnh sản xuất, quy trình của Công ty ban hành phải kiên quyết dừng sản xuất để khắc phục xong mới được thi công.
Văn bản chi tiết kèm theo số: 3446/CT-VTNC ngày 08/5/2023./.