Cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa được Công ty Than Hòn Gai xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động. Công ty đã và đang tăng cường đầu tư các hệ thống chống giữ lò hiện đại, tiên tiến; đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng; duy trì hiệu quả hệ thống vận tải đưa đón thợ mỏ và vật tư trong lò. Trở về an toàn sau một ca làm việc, những người thợ mỏ tiếp tục được Công ty Than Hòn Gai chăm sóc chu đáo từ sức khỏe tới tinh thần. Tại khu nhà tập thể công nhân, ngoài các dịch vụ chất lượng cao phục vụ thợ lò được đầu tư, Công ty luôn lắng nghe, tiếp thu và đáp ứng kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người lao động, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện việc làm của thợ mỏ.
Anh Đoàn Đức Tuyên - Phân xưởng số 5 Thành Công, Công ty Than Hòn Gai, chia sẻ: Thu nhập của thợ lò tại Than Hòn Gai bình quân từ từ 22 - 25 triệu đồng/tháng. Điều kiện ở khu tập thể thì được Công ty đầu tư rất nhiều như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa… nên dù mới đi làm mỏ được 2 tháng, nhưng tôi thấy đây như ngôi nhà thứ hai của mình, thậm chí nhiều điều kiện sống ở đây còn tốt hơn ở nhà.
Với những giải pháp đồng bộ trong cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đã giúp Than Hòn Gai luôn thực hiện tốt công tác thu hút, giữ chân thợ lò. Năm 2023, Công ty thu hút 201 thợ lò mới, vượt kế hoạch đề ra và là một trong những đơn vị dẫn đầu TKV về thu hút thợ lò. Riêng trong quý I/2024, Công ty thu hút 90 thợ lò mới, đạt 45% kế hoạch năm.
Ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc Công ty Than Hòn Gai, cho biết: Than Hòn Gai xác định luôn không ngừng chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần cho thợ mỏ. Những gì tốt nhất, cần thiết nhất cho thợ mỏ, đơn vị luôn quan tâm để áp dụng, đầu tư, nâng cấp, để thợ mỏ luôn gắn bó với Công ty, coi Quảng Ninh là quê hương của mình.
Những năm gần đây, tỷ lệ thợ lò là người dân tộc thiểu số ngày một tăng. Cùng với chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt tại các mỏ, công tác tuyển sinh, đào tạo của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cũng có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng thợ lò.
Hiện, phần lớn các lớp học đào tạo nghề mỏ của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, tỷ lệ sinh viên là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 50%. Để đảm bảo kiến thức được tiếp thu một cách đồng đều, giáo trình giảng dạy và cách truyền đạt cũng được các giáo viên của nhà trường bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài học lý thuyết, học sinh theo học nghề mỏ có một nửa thời gian khóa học để học thực hành, đồng thời rèn luyện thể chất, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, giáo dục về truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của thợ mỏ.
Ông Vũ Văn Thịnh - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, cho biết: Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, Nhà trường phối hợp tích cực với các mỏ và chính quyền các địa phương thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền; nâng cao công tác chăm sóc, bồi dưỡng, đào tạo sinh viên khi về học tập tại Nhà trường. Qua đó vừa đảm bảo số lượng và chất lượng của thợ mỏ.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị sản xuất than tại Quảng Ninh đã thu hút được 1.422 thợ lò mới, đạt 28,5% kế hoạch năm. Để có được những thế hệ thợ lò mới, với trình độ, ý thức tác phong công nghiệp cao là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của lãnh đạo TKV và đơn vị thành viên trong nâng cao điều kiện làm việc, đời sống vật chất, thu nhập cho thợ mỏ. Đây là nguồn lực quan trọng để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của TKV nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung./.
QN
Ý kiến bạn đọc