Phát triển TKV trở thành tập đoàn kinh tế vững mạnh

Thứ năm - 20/06/2024 09:06 686 0
Giai đoạn 2020 - 2025, định hướng phát triển của TKV sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh chế biến sâu tạo ra các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than, khoáng sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển này, TKV đang đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tin học hóa đồng bộ trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ của Công ty Than Hạ Long duy trì hoạt động hiệu quả.
Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ của Công ty Than Hạ Long duy trì hoạt động hiệu quả.

Đẩy mạnh cơ giới hóa và chuyển đổi số

Để nâng cao hiệu quả SXKD, thời gian qua TKV đã đổi mới và phát triển mạnh mẽ KHCN; cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hoá các công đoạn trong sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng giúp tiết giảm CNLĐ trực tiếp, tăng năng suất lao động, tăng mức độ an toàn, đặc biệt là tối ưu hóa quá trình hoạt động của nhiều thiết bị trong công đoạn sản xuất tại các đơn vị.

Công ty CP Than Hà Lầm là đơn vị tiên phong của TKV trong triển khai cơ giới hóa, tự động hóa dây chuyền sản xuất than. Từ năm 2015 Công ty vận hành lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn/năm. Đến năm 2016, Công ty tiếp tục đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm vào khai thác. Đây là 2 lò chợ cơ giới hóa có công suất lớn nhất hiện tại của TKV. Đến nay cả 2 lò chợ này mang lại hiệu quả cao, năng suất lao động tăng 3,39 lần so với lò chợ công nghệ giá xích, tăng 4,41 lần so với lò chợ giá XDY; đồng thời nâng cao mức độ an toàn, giảm số lao động. Nhờ đó thu nhập của thợ lò tăng từ 20-22 triệu đồng/người/tháng.

Công ty CP Than Hà Lầm đang triển khai thiết kế kỹ thuật “Phương án kỹ thuật khai thác tầng -300/-570 thuộc Dự án đầu tư khai thác phần dưới mức -50 mỏ Than Hà Lầm, Công ty Than Hà Lầm” (đã được TKV phê duyệt). Dự kiến trong năm 2024 Công ty tiếp tục đưa lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ 300.000 tấn than vào hoạt động; năm 2025 đưa lò chợ cơ giới hóa vỉa dốc vào hoạt động. Theo lãnh đạo Than Hà Lầm, Công ty bắt đầu triển khai phương án kỹ thuật xuống sâu dưới mức -300m, chuẩn bị diện khai thác; tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề an toàn cho sản xuất hầm lò về nước, khí để ổn định phát triển giai đoạn 2020 - 2025 và sau năm 2025. Trên cơ sở cơ giới hóa đồng bộ, Công ty tiến tới tự động hóa trên nền tảng của CNTT. Đây là giải pháp then chốt trên bước đường tiến tới chuẩn mực của TKV là trở thành một mỏ thực sự “Xanh - sạch - hiện đại - ít người”.

z2
Hệ thống kho than tại Công ty Tuyển than Cửa Ông được đầu tư hiện đại, đáp ứng năng lực bốc rót, tiêu thụ than.

Để đầu tư các mỏ than theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu than cao nhất cho nền kinh tế, giai đoạn 2011 - 2020 TKV đã đầu tư 33 dự án (20 dự án hầm lò, 13 dự án lộ thiên). Một số dự án đã ra than, đáp ứng công suất thiết kế, như: Dự án đầu tư khai thác phần lò giếng mức +0 đến -175 khu Vàng Danh, mỏ than Vàng Danh; Dự án khai thác hầm lò dưới mức -150, mỏ Mạo Khê; Dự án khai thác hầm lò phần lò giếng mỏ than Nam Mẫu; Dự án khai thác lộ thiên khu Bắc Bàng Danh, Than Hà Tu; Dự án đầu tư khai thác phần dưới mức -50, mỏ than Hà Lầm... Các mỏ này được TKV đầu tư theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao” áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa vào khai thác. Nhờ đó đến nay TKV đã giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20%, trong khai thác lộ thiên từ 4,9% còn 4,3%.

TKV đang đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết các hoạt động trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực SXKD. Hầu hết các đơn vị sản xuất than của TKV đang ứng dụng phần mềm trong công tác giao ca, nhận lệnh tích hợp với các phần mềm quản lý vật tư đã rút ngắn thời gian vào ca, quản lý sản xuất có số liệu nhanh, chính xác, kịp thời. Một số đơn vị đã thực hiện số hoá các hoạt động quản lý, như: Tổng Công ty Hoá chất mỏ, Tổng Công ty Khoáng sản, Công ty CP Than Cao sơn, Công ty Cảng và Kho vận Cẩm Phả… Đến nay các đơn vị thuộc TKV đã xây dựng hạ tầng kết nối mạng nội bộ trong văn phòng tổng công ty và các đơn vị; triển khai các giải pháp phần mềm ERP dùng chung trong toàn tổng công ty; hệ thống báo cáo thông minh dữ liệu được tập trung khai thác từ mọi khâu của các đơn vị cho lãnh đạo nhanh chóng kịp thời trợ giúp thông tin trong quá trình ra quyết định.

z3
Công ty CP Than Hà Tu áp dụng nhiều thiết bị vận tải, máy xúc có công suất lớn, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực vận chuyển đất đá, than.

Từ nay đến năm 2030 TKV phấn đấu trở thành doanh nghiệp số, trong đó hoàn thành 100% số hóa toàn bộ dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ trong điều hành SXKD; hoàn thành việc thành lập trung tâm dữ liệu số tập trung. TKV tiếp tục nâng cao mức tự động hóa tại các mỏ; áp dụng mô hình quản lý và tổ chức sản xuất thông minh dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.

“3 bứt phá” để tăng năng suất lao động

Tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024” diễn ra ngày 26/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện “3 đẩy mạnh”, “3 tiên phong”, “3 bứt phá” để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động. TKV đã có nhiều giải pháp để tăng năng suất, trong đó đặc biệt quan tâm “3 bứt phá”: Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; bứt phá về KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ theo đúng tinh thần, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TKV đã dành nguồn lực lớn để cải thiện điều kiện làm việc, đi lại, vận chuyển cho thợ lò, nâng cao thời gian sản xuất hữu ích trong ca, giải phóng sức lao động cho công nhân, tạo điều kiện tối đa để NLĐ nâng cao năng suất và tăng thu nhập. Thực tế TKV có điều kiện để thực hiện các giải pháp tổng thể cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương cho NLĐ là do những năm gần đây hoạt động SXKD của TKV có tăng trưởng, hiệu quả.

Năm 2023 doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 170.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế khoảng 7.800 tỷ đồng, tăng 56% kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ TKV ước đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 34,9% so với kế hoạch năm. Bình quân năm 2023 CNLĐ hầm lò của TKV có mức lương 24 triệu đồng/tháng; trong đó có hơn 9.000 thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

z4
Dự án hệ thống băng tải từ mặt bằng công nghiệp mỏ Tràng Bạch đến mặt bằng +56 Mạo Khê, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, sắp hoàn thành đưa vào sử dụng.

Năm 2024, TKV phấn đấu tiền lương bình quân hơn 17 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,7% so với kế hoạch, tăng 2% so với thực hiện năm 2023. Cùng với đó tiếp tục bảo đảm ngày công làm việc theo quy định, năng suất lao động dự kiến tăng từ 5-7% so với năm 2023. Trong 5 tháng đầu năm 2024 TKV sản xuất  hơn 17,2 triệu tấn than nguyên khai, bằng 102,5% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng doanh thu trên 71.000 tỷ đồng; nộp NSNN trên 10.800 tỷ đồng; lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân 16,6 triệu đồng/người/tháng.

z5
Hệ thống điều khiển tự động tập trung tại Công ty Nhiệt điện Đông Triều - TKV.

Ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Thời gian tới TKV sẽ hoàn thiện mô hình “Sản xuất và thương mại than”. Tập đoàn nghiên cứu đầu tư ra nước ngoài, tăng cường phát triển lĩnh vực nhập khẩu, pha trộn than để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước; chuẩn hoá, nâng cấp các kho cảng dịch vụ logistics phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, pha trộn than xứng tầm là nhà sản xuất chế biến, pha trộn than lớn nhất Việt Nam. Giai đoạn tới, TKV ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với mô hình kinh doanh và tổ chức quản lý của Tập đoàn. Trong đó từng bước xây dựng và phát triển mô hình kinh tế liên thông các phân ngành có thế mạnh của TKV, như hình thành tổ hợp than - điện - alumin; đẩy mạnh khai thác đất đá thải trong quá trình khai thác than, khoáng sản, tro xỉ các nhà máy nhiệt điện được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng, như làm đường mỏ, vật liệu chèn lò; tái sử dụng nước thải mỏ xử lý thành nước phục vụ sản xuất và và tái chế thành nước sinh hoạt. Chuỗi phát triển kinh tế tuần hoàn này là hướng đi mới giúp TKV nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng TKV trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế./.

QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây