Hoạt động khai thác lộ thiên thường tạo ra các hố moong sâu so với địa hình tự nhiên của khu vực, nguồn nước chảy vào moong bao gồm nước ngầm và nước mưa. Còn khai thác hầm lò tạo ra các đường lò đi sâu xuống lòng đất, nguồn nước chảy vào hầm lò chủ yếu là nước ngầm thấm ra. Để khai thác được than cần thực hiện bơm thoát nước ra khỏi khu vực, từ đó xuất hiện hàng trăm triệu m3 nước thải mỏ. Nước thải mỏ thường có tính axít và hàm lượng kim loại sẽ gây ô nhiễm nếu xả trực tiếp ra môi trường.
Theo ông Trần Mạnh Hà - Phó Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương, trung bình một ngày đêm sản xuất, Công ty đã phát sinh gần 30.000m3 nước thải. Bằng hệ thống bơm công suất lớn, toàn bộ lượng nước thải này sẽ được thu gom về bể điều lượng để lắng một phần cặn rắn có trong nước thải mỏ. Từ những bể điều lượng như thế này, nước thải của mỏ sẽ được bơm dẫn về 3 hệ thống xử lý nước thải công suất 470m3/h và 2 trạm công suất 1.200m3/h để xử lý.
Theo quy trình công nghệ tại Trạm xử lý nước thải hầm bơm mức -97,5 và mức -250 mỏ than Mông Dương, công suất 1.200m3/h, một phần nước thải mỏ Mông Dương sẽ được bơm dẫn đến 4 bể chức năng, gồm: Bể trung hòa, bể keo tụ, bể lắng tấm nghiêng và bể lọc mangan để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Đây là nhóm công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi trong các hệ thống xử lý nước thải mỏ nói chung của TKV và tại Trạm Mông Dương nói riêng, giúp xử lý triệt để nước thải có tính axít, hàm lượng sắt và mangan cao vượt giới hạn cho phép.
Trạm trưởng Chu Văn Hoa cho biết: Trong công nghệ xử lý nước thải, bể lắng tấm nghiêng mang lại hiệu quả cao do tạo ra diện tích lắng lớn gấp nhiều lần so với bể lắng ngang. Bông keo tụ trong quá trình di chuyển sẽ va chạm vào nhau và bám vào bề mặt tấm lắng nghiêng nên giảm thời gian lắng.
Sau khi xử lý qua các khâu công nghệ, nước thải của Than Mông Dương sẽ đạt tiêu chuẩn loại B về nước thải công nghiệp và có thể xả ra môi trường qua các hệ thống cống, rãnh, suối. "Một phần nước thải mỏ sau xử lý từ hệ thống công nghệ của Công ty Môi trường TKV được thu gom qua đường ống dẫn về hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Than Mông Dương, để tiếp tục xử lý đạt tiêu chuẩn loại A về nước thải công nghiệp và tái sử dụng vào hoạt động tắm, giặt, vệ sinh công nghiệp" - ông Trần Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương cho biết thêm.
Thực tế tại các đơn vị ngành than, việc tái sử dụng nước thải mỏ đang ngày càng trở thành xu thế kinh tế tuần hoàn tất yếu. Hiện nay, nhu cầu cấp nước cho các mỏ rất lớn, bao gồm nguồn nước để phun sương dập bụi, đảm bảo vệ sinh mỏ và nước sinh hoạt cho công nhân khai thác than ở rải rác trên núi cao, sâu... Việc tái sử dụng nước thải để cấp nước tại chỗ cho sinh hoạt và sản xuất là hợp lý, vừa giảm thiểu các tác động ô nhiễm môi trường nước, vừa giải quyết khó khăn cũng như giảm chi phí trong vấn đề cấp nước cho các mỏ than.
Từ trạm xử lý nước thải Tràng Khê công suất 1.600m3/h, một phần lớn nước thải mỏ sau xử lý đã được Công ty Than Uông Bí tái sử dụng vào nhiều mục đích, chủ yếu là phục vụ sản xuất trong lò và vệ sinh mặt bằng công nghiệp.
Ông Ngô Quang Vinh - Phó Trưởng Phòng Đầu tư - Môi trường, Công ty Than Uông Bí cho biết: Trung bình 1 ngày đêm, khu vực mỏ Tràng Bạch của Công ty sử dụng từ 2.500-3.000m3 nước thải mỏ sau xử lý; dùng vào những mục đích như: Dập bụi, phục vụ cứu hỏa và lọc lại thêm một lần nữa để phục vụ tắm giặt.
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV đang quản lý, vận hành 45 trạm xử lý nước thải, riêng vùng Quảng Ninh là 42 trạm, với tổng công suất xử lý trong vùng đạt khoảng 31.500m3/h. Trong đó, trạm xử lý nước thải có công suất lớn nhất đặt tại mỏ than Vàng Danh, với công suất xử lý đạt 3.000m3/h. Năm 2023, tổng lượng nước thải mỏ đã qua xử lý của TKV đạt hơn 141 triệu m3 và đều được xử lý bảo đảm quy chuẩn môi trường quy định trước khi xả ra môi trường.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV luôn tìm hiểu, ứng dụng những giải pháp KHKT, công nghệ, thiết bị môi trường tiên tiến nhằm xử lý nước thải mỏ không chỉ đạt các tiêu chí về môi trường theo quy định của Nhà nước, mà còn đạt giới hạn thấp hơn nữa, đáp ứng Quy chuẩn địa phương 03:2020 của tỉnh Quảng Ninh.
Để đảm bảo duy trì chất lượng nước thải sau xử lý, bên cạnh hoàn thiện công nghệ, Công ty cũng đã thường xuyên quan trắc kiểm định mẫu nước. Do đó, hàng ngày, tại mỗi trạm xử lý nước thải, công nhân tiến hành kiểm tra thường xuyên bằng máy đo pH và bằng cảm quan về chất lượng nước thải sau xử lý.
Các trạm xử lý nước thải của Công ty TNHH MTV Môi trường cũng đã ký hợp đồng với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở TN&MT Quảng Ninh để phối hợp thực hiện kiểm định mẫu nước định kỳ. Hàng tháng, các đơn vị sẽ lấy 2 mẫu nước thải đã qua xử lý, một mẫu dùng phân tích tại chỗ để kiểm soát các thông số trước khi xả ra môi trường, mẫu khác gửi lên phân tích tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường. Hàng quý, Trung tâm sẽ chủ động lấy mẫu tại các trạm xử lý nước thải mỏ, gồm cả mẫu nước trước, sau xử lý và mẫu bùn trước khi vận chuyển đổ thải để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý.
Với chất lượng nước thải mỏ sau xử lý ngày càng đảm bảo, TKV đang xúc tiến đầu tư thêm hệ thống xử lý nước cấp tại các Trạm xử lý nước thải mỏ để tiếp tục xử lý giai đoạn hai, tiến tới đạt tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt. Sau bước này, nước thải mỏ đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế về nước sinh hoạt sẽ quay lại phục vụ cho chính các mỏ than và các hộ dân lân cận. Đồng thời, TKV cũng đang tiếp tục nghiên cứu các phương án, giải pháp đấu nối nguồn nước đã xử lý vào các hệ thống hồ chứa nước của tỉnh Quảng Ninh theo từng giai đoạn./.
QN
Ý kiến bạn đọc