Trung tá Phạm Đình Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chia sẻ, đội được thành lập vào tháng 11/2015 nhưng phải đến tháng 1/2016 mới chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm ban đầu chỉ có vỏn vẹn 5 cán bộ chiến sĩ kể cả chỉ huy, chức năng nhiệm vụ hoàn toàn mới nên anh em trong đội cũng khá lo lắng. Tuy nhiên mọi người đều quyết tâm cao, vừa làm vừa trau dồi kiến thức liên quan đến lĩnh vực này. Nhờ vậy, chỉ một thời gian sau, mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Đến lúc này, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có tổng số 9 cán bộ chiến sĩ với đủ các chuyên ngành cần thiết.
Chiến công đầu tiên sau 2 tháng thành lập, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác lập chuyên án 316L phối hợp với Công an TP Cần Thơ khởi tố, bắt giữ nhóm 4 đối tượng (trong đó có 1 quốc tịch Nigienia và 3 đối tượng Việt Nam) sinh sống tại các tỉnh phía Nam. Các đối tượng này câu kết với nhau sử dụng mạng xã hội facebook để lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của nhiều nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tại Quảng Ninh, đã có 9 nạn nhân bị sập bẫy với số tiền bị lừa hơn 4 tỉ đồng.
Hành vi lừa đảo này ở giai đoạn sau ngày càng tinh vi hơn khiến cho nhiều người sập bẫy, bị chiếm đoạt số tiền lớn. Trước thực trạng trên, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên để có biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này.
Từ thông tin thu thập được, tháng 5/2017, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục xác lập chuyên án 517L đấu tranh với nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Để dụ “con mồi” vào bẫy, các đối tượng lập tài khoản facebook giả danh là doanh nhân ngoại quốc, hay kỹ sư, sỹ quan quân đội Mỹ đang công tác tại nước ngoài làm quen, kết bạn với các phụ nữ. Sau một thời gian nhắn tin qua lại, những doanh nhân, sĩ quan “rởm” này sẽ ngỏ lời yêu đương, hứa hẹn gửi quà kèm tiền mặt giá trị lớn cho nạn nhân. Lúc đó, các đối tượng người Việt Nam sẽ giả danh nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu bị hại chuyển tiền để nhận hàng với nhiều lý do khác nhau. Do tin tưởng và nghĩ mình sẽ được nhận quà nên nạn nhân đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng yêu cầu. Đến khi số tiền lên tới hơn 2 tỉ đồng mà quà không thấy, biết bị lừa, nạn nhân mới đến trình báo cơ quan Công an. Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã cử các tổ công tác trực tiếp xác minh ở nhiều tỉnh, thành phố, đồng thời phối hợp với Cục nghiệp vụ Bộ Công an bắt giữ Trần Thị Bích Tuyền, sinh năm 1982, trú tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, đối tượng trong đường dây lừa đảo này.
Trong những năm gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và ngày một tinh vi với thủ đoạn liên tục thay đổi. Tại Quảng Ninh đã xảy ra nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng và phức tạp. Nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hình thức như: lừa đảo qua facebook, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan nhà nước, lừa đảo qua các giao dịch thương mại điện tử ... Tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; mua bán, trộm cắp, sử dụng thông tin thẻ của người khác để chiếm đoạt tài sản; tội phạm đánh bạc bằng các hình thức lô đề, cá độ bóng đá qua mạng internet...
Năm 2017, trên địa bàn cả nước cũng như tỉnh Quảng Ninh xuất hiện tình trạng các đối tượng lắp đặt thiết bị skimming để trộm cắp thông tin thẻ, sau đó làm thẻ giả và rút tiền tại các cây ATM. Theo kết quả điều tra của cơ quan Công an, từ tháng 4/2017 đến tháng 12/2017 đã xảy ra 3 vụ sử dụng thẻ ATM giả và rút tiền tại các cây ATM trên địa bàn chiếm đoạt của 97 khách hàng với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Các vụ việc trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Sau khi xác lập chuyên án, trong giai đoạn một, ngày 22/2/2018, lực lượng Công an đã bắt giữ 4 đối tượng người Trung Quốc, thu giữ hơn 100 triệu đồng mà chúng rút tại các cây ATM. Tiếp đó trong giai đoạn hai, ngày 3/5/2018, một đối tượng người Trung Quốc khác cũng đã bị bắt quả tang đang rút tiền tại một cây ATM trên địa bàn TP Hạ Long. Quá trình điều tra làm rõ, đối tượng đã di chuyển đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để rút và chiếm đoạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Mở rộng chuyên án, cơ quan điều tra đã bắt giữ 1 đối tượng người Việt Nam có hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” qua biên giới.
Trước khi thành lập Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Quảng Ninh cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Công an Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 17 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Từ kết quả đấu tranh cho thấy, có những vụ án phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, thiết bị phạm tội lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Trong những vụ án này, các đối tượng không những có nhiều cách để che giấu hành vi, qua mặt cơ quan chức năng mà quy mô, tính chất cũng vô cùng nghiêm trọng. Điển hình như: lắp đặt trạm VSAT, vi ba, thiết bị thu phát sóng ngắn UHF lợi dụng vùng chồng lẫn sóng viên thông giữa Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) để hoạt động kết nối đường truyền Internet tốc độ cao, vận chuyển sim, thẻ điện thoại trái phép quan biên giới để trộm cắp cước viễn thông quốc tế, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tiền, sử dụng thẻ tín dụng giả của người nước ngoài...
Năm 2014, lực lượng chức năng Công an Quảng Ninh phát hiện một nhóm đối tượng người Trung Quốc tại TP Móng Cái sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao điều hành trang mạng đánh bạc trực tuyến. Sau đó, Công an Quảng Ninh đã phối hợp với Cục nghiệp vụ Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh. Kết quả kiểm tra 3 địa điểm liên quan tại TP Móng Cái đã phát hiện 28 người Trung Quốc (gồm 11 nữ, 17 nam) cùng nhiều thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quản trị, điều hành các website của Trung Quốc trên mạng Internet. Sau khi củng cố tài liệu vi phạm, Công an Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an bàn giao đối tượng, tang vật cho Công an Trung Quốc.
Theo Trung tá Phạm Đình Nghĩa, từ khi thành lập đến nay công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đạt được kết quả tích cực. Thực tế cho thấy, mặc dù nguồn nhân lực đã được quan tâm nhưng trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh với loại tội phạm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đây cũng là một trong những khó khăn của đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Khó khăn, thách thức ngày càng lớn, nhưng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Quảng Ninh đang quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Song các anh đang rất cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đáp ứng được yêu cầu đấu tranh trong tình hình mới./.
NQ (ST)
Nguồn tin: qtv.vn - Đài PTTH Quảng Ninh
Ý kiến bạn đọc