Có thể kể ra đây những câu chuyện đau lòng như đêm 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống nhiều bia đã lái xe ô tô 7 chỗ tông vào chị Lê Thu Hà, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, đang làm việc trên đường Láng, khiến chị Hà tử vong tại chỗ. Nồng độ cồn trong khí thở của tài xế Tuyên ở mức 1,041 mg/lít khí thở, cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4mg/lít) theo Nghị định 46. Hay đêm 1/5, lái xe Lê Trung Hiếu lái xe ô tô tới hầm Kim Liên (Hà Nội) thì va chạm với 1 xe máy, làm 2 phụ nữ thiệt mạng tại chỗ. Nồng độ cồn đo được của lái xe ô tô này là hơn 0,7 miligram/lít khí thở. Trước đó là ở Bình Định, một lái xe ô tô đã đâm thẳng vào đám tang làm 4 người chết, 6 người bị thương nặng. Nồng độ cồn của lái xe cũng vượt quy định là hơn 0,3 miligram/lít khí thở.
Những ngày qua, ngoài xót thương cho những cảnh đời bất hạnh do không may bị các “ma men” điều khiển phương tiện gây ra, dư luận xã hội còn quan tâm, bàn luận nhiều về các mức hình phạt đối với vi phạm về nông độ cồn. Nhiều người cho rằng, mức phạt cao nhất hiện nay là 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng là còn quá nhẹ, dường như chưa đủ sức răn đe.
Minh chứng cho điều này là năm 2018, toàn quốc đã xảy ra hơn 18.700 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 8.200 người chết, khoảng 14.800 người bị thương. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 5.453 vụ tai nạn giao thông, làm 2.570 người chết, gần 4.200 người bị thương. Có đến 40% số vụ tai nạn giao thông (dịp nghỉ lễ, tết là 70%) liên quan đến rượu, bia.
Những con số trên cho thấy tai nạn giao thông đã gây thiệt hại nặng nề về người và kinh tế. Chính vì vậy, những chế tài xử lý cần phải sớm thay đổi theo hướng tăng để đủ sức răn đe hành vi lái xe sau khi uống rượu, bia.
Mới đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Theo đề xuất thì đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 34-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng khi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Nghị định 46/2016 hiện đang quy định xử phạt từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Với người điều khiển mô tô, mức xử phạt cao nhất là xử phạt từ 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46 đang quy định xử phạt từ 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.
Với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18-20 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Quy định Nghị định 46 mức phạt chỉ có 5-7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Những ngày qua, cộng đồng mạng dấy lên phong trào tuyên truyền người dân không nên lái xe sau khi sử dụng rượu, bia với những khẩu hiệu hết sức quyết liệt, như: “Đã uống rượu bia, không lái xe”, “Say xỉn khi lái xe là tội ác”, “Hãy lái xe bằng trái tim vì phía trước tay lái là cuộc sống”… Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng của hàng triệu người dân và lan tỏa ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Có thể thấy, việc lái xe sử dụng rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện đã khiến dư luận xã hội không đồng tình, phản ứng rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn chắc chắn nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân. Và nếu được thông qua, chắc chắn rằng quy định mới này sẽ giúp kiềm chế tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn mà nguyên nhân do uống rượu, bia gây ra./.
HĐ (ST)
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc