Hòn Trống Mái được chia thành 40 khối, theo các hệ thống khe nứt có kích thước khác nhau. Theo các chuyên gia, qua nhiều năm chịu tác động của thiên nhiên hiện tại các khe nứt đang có xu hướng rộng và sâu hơn. Phần chân hòn Trống Mái cũng đang dần bị ăn mòn.
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự ổn định hòn Trống Mái. Đó có thể là: sóng, gió, dòng chảy, thủy triều hoặc đơn giản hơn là thực vật. Lúc này, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp để có thể bảo vệ cho biểu tượng du lịch này: Từ tháng 3/2022, tỉnh Quảng Ninh chủ động mời Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nghiên cứu đánh giá hiện trạng và đề ra giải pháp. Các chuyên gia đến từ Na-uy và Bỉ cũng đã được mời sang phối hợp thực hiện.
Sau hơn 01 năm nghiên cứu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã đề xuất các phương án bảo tồn như: sử dụng công nghệ phun, vẩy bê tông đặc biệt kết hợp cùng Polymer để chống lại tốc độ ăn mòn; Sử dụng neo gắn kết các khối đá lại với nhau; Dùng các vật liệu phù hợp để bịt các khe nứt; Xây các bệ chống cho hòn Trống Mái; Viện cũng đề xuất các tàu, thuyền cần giữ khoảng cách tối thiểu 50m, tốc độ tàu dưới 10Km/h trong bán kính 200m.
Ngày 25/8/2023, các biện pháp bảo tồn hòn Trống Mái được nghiệm thu nhằm chọn ra phương án hợp lý nhất để triển khai.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ sẵn sàng mọi nguồn lực để bảo tồn biểu tượng di sản Thế giới vịnh Hạ Long theo đúng cam kết với UNESCO./.