Điều chỉnh lương hưu từ 1/7/2024:
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó từ ngày 1/7/2024, là ngày chính thức cả nước thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Theo đó, tại tiết 2 Mục I phần B Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024 thì về dự toán chi ngân sách nhà nước sẽ tiến hành xây dựng dự toán chi NSNN năm 2025:
- Đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đáp ứng được yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết 07-NQ/TW năm 2016 của Bộ Chính trị, gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017, Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, Kết luận 28-KL/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận 40-KL/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026;
- Với kinh phí về chế độ tiền lương mới, sẽ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Như vậy, theo quy định nêu trên, phương án điều chỉnh lương hưu theo Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2024 sẽ được điều chỉnh từ 01/7/2024 cùng thời điểm cải cách tiền lương.
Các yếu tố để xây dựng bảng lương mới
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 các yếu tố được xác định để thiết kế bảng lương mới như sau:
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Bỏ lương cơ sở
Hiện nay, công thức tính lương hưu được nêu tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính như sau:
Khi cải cách tiền lương sẽ thực hiện bãi bỏ mức lương cơ sở trong cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và thay thế bằng cách tính tiền lương mới đảm bảo không thấp hơn mức lương hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức.
Riêng với người lao động thì mức lương vẫn dựa theo thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.
Do đó, khi bỏ mức lương cơ sở thì chỉ thay đổi cách tính tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức do đó sẽ thay đổi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Bởi vậy, công thức tính lương hưu vẫn áp dụng theo công thức ở trên nên về cơ bản cách tính lương hưu khi cải cách tiền lương sẽ không thay đổi mà chỉ ảnh hưởng đến mức hưởng lương hưu do mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH thay đổi.
Theo đó, Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu trong thời gian sắp tới./.
QN
Ý kiến bạn đọc