Những câu chuyện như chị họ tôi kể xuất hiện vô số trong thời gian qua, đây là những chiêu trò của người môi giới, “cò đất” nhằm làm nhiễu loạn thông tin giá cả đất đai, “thổi” giá đất lên cao, tạo “cơn sốt” đất ảo, qua đó trục lợi qua việc ăn “hoa hồng” môi giới hoặc chênh lệch giá bán đất.
Theo thông tin từ UBND TP Hạ Long thì những “nhà đầu tư” này không thực hiện giao dịch đối với các thửa đất thuộc khu dân cư đã được cấp sổ đỏ mà chỉ tập trung thực hiện giao dịch đối với các ô đất thuộc khu quy hoạch chưa được cấp sổ đỏ, mới có hợp đồng góp vốn giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp.
Đây thực chất là hoạt động “làm thị trường” của một nhóm đầu cơ có tổ chức, kịch bản. Các nhà đầu cơ này đã mua đất tại những dự án từ thời gian trước với giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch để tung ra thị trường các tin sốt nóng, đẩy giá đất tăng cao nhằm tạo hiệu ứng thị trường, khiến cho giới đầu tư, người dân thấy được một kịch bản bất động sản đang giao dịch rất sôi động, nóng. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động mua đi, bán lại với nhau trong chính nhóm môi giới đang thao túng thị trường, tạo các giao dịch “mồi” để gây nên “cơn sốt” đất ảo trong thị trường bất động sản.
Trước thực trạng này, UBND TP Hạ Long đã chỉ đạo UBND các phường, cơ quan liên quan tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến từng khu phố, tổ dân về tình trạng pháp lý của các dự án đang triển khai trên địa bàn nhằm cảnh báo người dân trước những “cơn sốt” đất ảo, đồng thời thực hiện nghiêm, chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc chứng thực giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất phải theo đúng trình tự quy định; tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin liên quan đến tình trạng cò mồi, đầu cơ làm lũng đoạn thị trường đất đai; trưởng thôn, khu không xác nhận giấy tờ viết tay về việc chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Câu chuyện đang diễn ra tại TP Hạ Long không phải là mới, khi trước đây trên địa bàn huyện Vân Đồn cũng từng xảy ra những “cơn sốt” đất ảo khiến địa phương này phải triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, kìm chế việc tăng giá ảo, “thổi” giá đất ở nơi đây. Vào thời điểm cuối năm 2018, trên địa bàn huyện có 30 cơ sở tư vấn nhà đất thì trong đó có đến 16 cơ sở có treo biển nhưng không hoạt động nhằm tạo nên hình ảnh sôi động trong giao dịch bất động sản, làm nhiễu loạn thông tin nhà đất. Thậm chí nhiều lô đất được môi giới các trung tâm tự giao dịch với nhau để tạo nên sự nhộn nhịp giao dịch ảo, nhằm mục đích tăng giá đất. Đến thời điểm này, tình trạng tăng giá đất đột biến, bất thường, “sốt” đất ảo ở Vân Đồn đã không còn.
Hay ở Hoành Bồ, những “nhà đầu tư” không thực hiện giao dịch đối với các thửa đất thuộc khu dân cư đã có sổ đỏ, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất mà chỉ thực hiện giao dịch đối với những ô đất thuộc Khu quy hoạch dân cư Bắc sông Trới, Khu quy hoạch dân cư Bắc cầu Bang. Đây thực chất là hoạt động mua đi, bán lại với nhau trong chính nhóm môi giới đang thao túng thị trường, tạo các giao dịch “mồi” để gây ra “cơn sốt” đất ảo.
Trước thực trạng trên, người dân phải hết sức cảnh giác với những thông tin thị trường bất động sản kẻo “sa bẫy” giới môi giới, “cò đất” rồi mang nợ nần vào thân do đi vay tiền đầu tư, nhất là vay nặng lãi ở tín dụng đen. Và để minh bạch thông tin thì việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân trước những “cơn sốt” đất ảo của chính quyền địa phương là vô cùng cần thiết, cùng với đó là thực hiện nghiêm, chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn./.
NQ (ST)
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc