Sau Tết Nguyên đán, Việt Nam đang phải chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao ở mức chưa từng có kể từ khi dịch bùng phát. Với định hướng sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt với SARS-CoV-2, đa phần người nhiễm nCoV hiện đều có thể cách ly, tự theo dõi và điều trị tại nhà.
Bên cạnh theo sát và xử trí kịp thời các triệu chứng, chế độ dinh dưỡng phù hợp trong thời gian diễn biến bệnh là yếu tố được các chuyên gia nhấn mạnh khi F0 điều trị Covid-19.
Trao đổi với PV, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định việc xây dựng chế độ dinh dưỡng theo mức độ triệu chứng của F0 sẽ giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng, nhanh chóng hồi phục, đề phòng tình trạng suy kiệt dẫn tới suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong.
F0 không xuất hiện triệu chứng
Theo bác sĩ Tiến, trường hợp mắc Covid-19 không triệu chứng có thể tập trung thực hiện chế độ ăn tương tự người khỏe mạnh bình thường.
Cụ thể, những F0 này được khuyến cáo ăn đủ nhu cầu, đa dạng và phối hợp từ 15 đến 20 loại thực phẩm, đồng thời thay đổi chúng thường xuyên trong ngày.
Khẩu phần ăn hàng ngày cần có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản hay đậu, đỗ,...) cũng như chất béo động vật, thực vật.
Nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, đậu đỗ, dầu thực vật. Ngược lại, F0 cần hạn chế các chất béo từ thịt gia cầm và gia súc như gà, vịt, lợn, bò,...
Ngoài ra, người bệnh Covid-19 không triệu chứng cũng nên sử dụng chất đạm đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, cần hạn chế các loại thịt đỏ (bò, lợn, cừu,...) ở ngưỡng khoảng 70-80 g/ngày/người. Đồng thời, tăng cường cá, hải sản, trứng, sữa, thịt gia cầm, các loại đậu đỗ,...
“Lượng đạm động vật chỉ nên chiếm khoảng 30-50% tổng số chất đạm trong ngày với người trưởng thành. Tỷ lệ tương tự với chất béo động vật là 60% tổng số chất béo trong ngày”, bác sĩ Tiến cho biết thêm.
Trong khi đó, mọi độ tuổi đều nên tăng cường rau xanh và hoa quả vào bữa ăn hàng ngày. Nguyên nhân là rau quả cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất chống oxy hóa. Các loại vitamin A, C, D, E hay chất khoáng gồm sắt, kẽm,... có vai trò lớn trong chống viêm, chống nhiễm trùng, nâng cao đề kháng và miễn dịch.
Tác dụng này của rau quả giúp ích rất lớn cho người mắc Covid-19. Từ đây, bác sĩ Tiến khuyến cáo người dân và bệnh nhân Covid-19 nên ăn khoảng 300-400 g rau xanh/ngày và 200-300 g quả chín.
Vị chuyên gia lưu ý: “Khi chế biến bữa ăn, chúng ta cũng nên thêm các loại gia vị như hành, tỏi, sả, gừng,... Ngoài vitamin và khoáng chất, chúng còn có chất kháng sinh thực vật rất phù hợp cho người bệnh”.
Bữa ăn cho các F0 phải đặc biệt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thức ăn, đồ uống cần được nấu chín và sử dụng ngay sau khi nấu.
Người trưởng thành cũng cần bổ sung từ 1,6 đến 2,4 l nước mỗi ngày, tương đương khoảng 8-12 cốc thủy tinh.
“Một số người khi mắc Covid-19 có thể ho, sốt, viêm phổi,... dẫn đến mất nước và các chất điện giải như natri, kali. Do đó, việc bổ sung nước sẽ giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Các loại nước phù hợp khi mắc Covid-19 là oresol, nước dừa, sinh tố hoa quả, nước cam, chanh, bưởi ép, rau má”, bác sĩ Tiến giải thích.
Ông cũng khuyến cáo người dân khi nhiễm SARS-CoV-2 cần tránh sử dụng rượu, bia bởi sẽ gây khó khăn trong việc theo dõi diễn biến bệnh. Các loại nước ngọt, có ga cũng cần hạn chế.
F0 có triệu chứng nhẹ (ho, sốt, mất mùi, vị)
“Do yếu tố tinh thần cùng tác động của SARS-CoV-2, F0 thường mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon. Vì vậy, người bệnh có thể chia nhiều bữa trong ngày (khoảng 5 bữa/ngày) và không ăn quá no, gây khó thở (dễ nhầm lẫn với diễn biến của bệnh)”, bác sĩ Tiến cho hay.
Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo các món ăn nên được chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn.
Người bệnh cũng nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay cho việc chiên, rán, nướng do cách làm này gây khó tiêu hóa. Đồng thời, F0 cũng cần được thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để tăng cảm giác ngon miệng.
“Khi chán ăn, người bệnh có thể bổ sung sữa và các sản phẩm của sữa với số lượng khoảng 2 cốc/ngày. Nếu ăn kém hoặc khó tiêu hóa, F0 cần bổ sung thêm probiotic (men tiêu hóa) mỗi ngày 2 lần, đồng thời sử dụng viên vitamin tổng hợp, khoáng chất cho người lớn, hay dạng siro/cốm với trẻ em. Việc làm này giúp người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn, ăn ngon hơn, từ đó cơ thể sớm bình phục”, bác sĩ Tiến gợi ý.
F0 có bệnh lý nền
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, ngoài tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ ăn phù hợp với bệnh lý sẽ giúp nhóm F0 này hạn chế cũng như đẩy lùi diễn biến bệnh.
“Nếu không thực hiện đúng và nghiêm ngặt chế độ ăn, việc sử dụng thuốc điều trị bệnh sẽ kém hiệu quả”, ông khẳng định.
Từ đây, mỗi bệnh nền sẽ cần một chế độ dinh dưỡng khác nhau buộc người bệnh tuân thủ. Ví dụ, bệnh nhân đái tháo đường sẽ phải lựa chọn và sử dụng thực phẩm theo chỉ số đường huyết của mỗi loại. Trong khi đó, bệnh nhân tăng huyết áp cần hạn chế sử dụng muối ở nhiều mức độ khác nhau.
F0 có triệu chứng nặng
Với nhóm F0 diễn biến nặng và phải điều trị tại cơ sở y tế, chế độ dinh dưỡng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ của các triệu chứng. Người bệnh lúc này cũng sẽ thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp và theo chỉ dẫn từ bệnh viện.
F0 còn tỉnh táo có thể chủ động ăn, uống. Ngược lại, F0 rối loạn ý thức và không thể tự ăn sẽ được bổ sung dinh dưỡng qua ống sonde dạ dày hoặc đường truyền tĩnh mạch.
Bác sĩ Tiến kết luận: “Người mắc Covid-19 có triệu chứng từ nhẹ trở lên cần chú ý quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, qua đó tránh tình trạng suy kiệt. Điều này đặc biệt quan trọng với người cao tuổi, phụ nữ có thai, đang cho con bú”.
Ngoài chế độ dinh dưỡng tốt, vị chuyên gia cũng cho rằng các F0, nếu có thể, cần tích cực hoạt động thể lực phù hợp với tình trạng sức khỏe, môi trường và diễn biến do SARS-CoV-2. Theo ông, các hoạt động thích hợp là tập thở, đi bộ, chạy tại chỗ, yoga,... trong thời gian khoảng 45-60 phút/ngày, tần suất 2 lần/ngày.
NQ (ST)
Nguồn tin: Theo Zingnews.vn
Ý kiến bạn đọc