Ông Hoàng Bách - Chủ tịch thị xã Cẩm Phả giai đoạn 1967 - 1977, Quảng Ninh: “Nhân dân vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ”.
Những năm tôi làm chủ tịch thị xã Cẩm Phả cũng là giai đoạn Đế quốc Mỹ đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Khi đó, thị xã Cẩm Phả một khu vực tập trung các cơ sở công nghiệp lớn nhất của ngành than thuộc tỉnh Quảng Ninh, một đầu mối giao thông quan trọng đã trở thành mục tiêu hủy diệt của đế quốc Mỹ. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, Cẩm Phả đã nêu cao quyết tâm, thực hiện 2 nhiệm vụ vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Thị ủy đã chỉ đạo các khu phố tổ chức đưa dân đi sơ tán. Năm 1966 - 1967, khi địch tập trung đánh phá ác liệt, thị xã đã vận động sơ tán được trên 13.000 người, làm được hàng nghìn lán trại và nhà ở cho hàng vạn người để sơ tán lâu dài, ổn định.
Để kịp thời bám sát, giúp đỡ nhân dân và quản lý các địa bàn, Ủy ban hành chính thị xã đã lập ra 37 ban quản trị ở các khu sơ tán. Tôi còn nhớ giai đoạn năm 1966 - 1968, nhân dân toàn thị xã đã đào thêm hàng chục km giao thông hào, gần 3.000 hầm hố trú ẩn nội thị và hầm hố trú ẩn ngoài thị xã.
Để góp phần ổn định cuộc sống nhân dân trong chiến tranh, thị xã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất thực phẩm, chú trọng trồng rau và chăn nuôi, đẩy mạnh phong trào thi đua tăng năng suất. Các hợp tác xã đã xây dựng hệ thống thủy lợi, làm nhiều mương nước. Thanh niên cũng xung kích làm thủy lợi, đi đầu trong áp dụng khoa học kỹ thuật. Mặc dù bị máy bay bắn phá nhiều lần nhưng các nhà máy, xí nghiệp vẫn duy trì sản xuất. Ban đêm dân ta vào hang, hầm trú ẩn, ban ngày vẫn thi đua lao động sản xuất.
Ông Trần Đình Hiền - Cựu công nhân công trường Công ty CP Than Đèo Nai, TP Cẩm Phả: “Luôn nêu cao tinh thần, hăng thi đua lao động, sản xuất, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo”.
Gia đình tôi có 3 đời đều làm thợ Mỏ than Đèo Nai. Bản thân tôi về làm ở Mỏ Đèo Nai năm 1981. Sau này tôi được phân làm tổ trưởng tổ máy xúc trên công trường. Tôi vô cùng tự hào vì đã có nhiều năm làm tại công trường Công ty CP Than Đèo Nai, đơn vị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm năm 1959.
Tôi còn nhớ, những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi mới vào làm trên công trường, dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng chúng tôi vẫn nêu cao tinh thần, hăng thi đua lao động, sản xuất, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo để giúp đơn vị vươn lên thành một điểm sáng, tiêu biểu của ngành Than Việt Nam.
Tới những năm 1999 - 2000, Đèo Nai đối mặt với rất nhiều sóng gió. Diện tích khai trường hẹp, trữ lượng tài nguyên giảm, đời sống công nhân sa sút. Trước thử thách đó, ngày 1/1/2007, thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Đảng và Nhà nước, Mỏ Đèo Nai được chuyển đổi mô hình hoạt động và đổi tên thành Công ty CP Than Đèo Nai. Những năm đầu hoạt động theo mô hình cổ phần, tuy còn gặp nhiều khó khăn thế nhưng song hành với công tác sản xuất, kinh doanh, đơn vị cũng luôn chăm lo tốt nhất đến điều kiện làm việc, điều kiện sống của hàng nghìn công nhân, thợ mỏ.
Tôi thấy giờ đây, tôi thấy đời sống công nhân Đèo Nai được nâng lên rất nhiều, được đưa đón bằng ô tô đến tận khai trường, được vận hành, làm chủ phương tiện, thiết bị hiện đại, được cải thiện từng bữa ăn ca, khám sức khỏe định kỳ và được thể hiện năng khiếu trong những phong trào văn hóa, thể thao do đơn vị tổ chức. Mỗi năm, hàng nghìn thợ mỏ tiêu biểu được khích lệ, khen thưởng kịp thời, bằng vật chất và cả những chuyến tham quan, du lịch trong, ngoài nước.
Ông Trần Đức Mầu, 76 tuổi, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Cẩm Phả (giai đoạn 2002 - 2007): “Mỗi công nhân đã và đang góp phần tích cực xây dựng thành phố mỏ giàu đẹp văn minh”.
Tôi rất vui mừng phấn khởi khi nhìn thấy thành phố Cẩm Phả phát triển được như ngày hôm nay. Chúng tôi từ Thái Bình ra Cẩm Phả năm 1965 làm công nhân lâm trường lâm nghiệp. Lúc đó vùng đất này còn rất heo hút, dân cư thưa thớt chỉ tập trung ở khu vực trung tâm, đường sá đi lại khó khăn. Chưa kể giai đoạn chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ thanh niên chúng tôi lúc đó vừa lao động vừa tham chiến đấu phục vụ chiến đấu đánh đuổi kẻ thù khắc phục hậu quả các trận đánh.
Đất nước hòa bình, mặc dù đời sống của công nhân vùng mỏ còn gặp vô vàn khó khăn gian khổ nhưng ai nấy đều lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cùng nhau thi đua lao động sản xuất với khí thế hăng say. Trải qua quá trình phát triển của thành phố Cẩm Phả hôm nay tôi thấy tự hào khi thành phố đổi thay từng ngày.
Qua đây tôi mong muốn rằng, thành phố Cẩm Phả sẽ được phát triển nhiều hơn nữa; đặc biệt quan tâm đời sống của công nhân lao động được quan tâm chăm lo hơn nữa, nhất về vấn đề nhà ở xã hội. Ở một đô thị công nghiệp sầm uất đông đảo công nhân như Cẩm Phả, vấn đề chăm lo đến đời sống công nhân đã và đang được nhiều thế hệ lãnh đạo quan tâm. Từ đó, lực lượng công nhân mỏ nói riêng người lao động các ngành nghề khác nói chung có việc làm, thu nhập ổn định qua đó đóng góp xây dựng thành phố Cẩm Phả giàu đẹp phồn vinh.
Ông Chu Văn Bình, 69 tuổi, Chủ tịch phường UBND phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả giai đoạn 1999 - 2004: “Tôi mong muốn thành phố thu hút du lịch và tăng tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân để phát triển bền vững”.
Trước đây, chúng tôi tập trung sản xuất nông nghiệp vì địa bàn phường Cẩm Bình là có diện tích nông nghiệp rất lớn trồng trọt; đồng thời quan tâm xây dựng cơ bản tập trung đầu tư, vận động người dân kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn; mua phương tiện vận chuyển; mở tuyến chợ để giao thương, giải quyết việc làm cho người dân. Từ đó đời sống của nhân dân ở khu dân cư từng bước được nâng lên rõ rệt.
Hiện nay, thành phố Cẩm Phả có sự chuyển mình rõ rệt, một thành phố mới mẻ đem lại nguồn thu ngân sách lớn. Từ đó, tạo điều kiện về nguồn lực cho việc chỉnh trang đô thị thành phố, giải quyết chế độ chính sách, an sinh xã hội tốt chăm lo đời sống cho đối tượng yếu thế; giảm nghèo; đường sá được kiến thiết quy hoạch tốt hiện đại thúc đẩy thành phố phát triển vượt bậc. Tôi mong muốn thành phố thu hút dịch vụ du lịch phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn. Như vậy, thành phố Cẩm Phả của chúng ta mới có thể phát triển bền vững được.
Anh Đoàn Đăng Dũng, Bí thư Đoàn thanh niên phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả: “Xung kích sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, đóng góp sức trẻ xây dựng thành phố Cẩm Phả hiện đại, thịnh vượng”
Tôi rất tự hào khi sinh ra và lớn lên ở thành phố Cẩm Phả. Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng ghi dấu ấn trong các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đánh đuổi chế độ thực dân phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Là đảng viên, cán bộ đoàn thanh niên, đại diện cho thế hệ trẻ của thành phố Cẩm Phả, chúng tôi tiếp tục kế thừa và tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, luôn xung kích, sáng tạo đi đầu trong công cuộc đổi mới; sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Với trách nhiệm đoàn viên, thanh niên thành phố Cẩm Phả, chúng tôi luôn phải có trách nhiệm không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn; mong muốn đóng góp sức trẻ để xây dựng thành phố Cẩm Phả hiện đại, văn minh, nơi đáng sống trong tương lai./.
QN
Ý kiến bạn đọc