Nguyên là cán bộ tham mưu và vinh dự được phục vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phạm Văn Sắc (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), nguyên chiến sĩ Đại đoàn 316, năm nay đã hơn 90 tuổi, nhưng vẫn vẹn nguyên ký ức và cảm xúc tự hào về những tháng ngày trực tiếp tham gia vào trận đánh giữ từng tấc đất trên đồi A1, Điện Biên Phủ.
Ông Phạm Văn Sắc, nhớ lại: Trận đánh đồi A1 luôn in đậm trong trí nhớ tôi. Bởi khi đó đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía Đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây địch bố trí binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc. Đến 14 giờ ngày 06/5/1954, pháo ta bắn đồng loạt trong 1 tiếng đồng hồ vào đồi A1, sau đó bắn vào sân bay khoảng 30 phút, tiếp đến bắn vào đồi pháo của địch ở Hồng Cúm gần 1 tiếng đồng hồ. Quân địch khi đó chống trả rất quyết liệt với hỏa lực mạnh, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Sau buổi tối đánh đồi A1, diệt được ụ súng của địch với tên gọi là “ụ súng thằng người”, các đơn vị rút về nơi đóng quân cách đồi A1 khoảng 700m. Đến khoảng 5 giờ ngày 07/5/1954 thấy rất nhiều quân địch đi ra ở khu vực đồi Độc Lập và kéo cờ trắng ra hàng. Với khí thế tiến công không ngại hy sinh, các đơn vị của ta đã làm chủ đồi A1 và các khu vực khác, góp phần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan âm mưu xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20/7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương. Một nửa nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; vận dụng nhuần nhuyễn đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đường lối kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, biết đánh và biết thắng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, cùng với bộ đội lập nên những chiến công oanh liệt trên chiến trường còn có những đóng góp quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của lực lượng dân công hỏa tuyến. Ông Vũ Công Hồng (88 tuổi, hiện ở khu 2A, phường Cao Xanh, TP Hạ Long) sinh ra và lớn lên tại Vùng mỏ, theo cha mẹ về quê nội Thanh Hóa tản cư, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã cùng đoàn xe đạp thồ hỏa tuyến của Thanh Hóa đường đi phục vụ Chiến dịch. Khi đó ông mới 17 tuổi, là người trẻ nhất trong đoàn quân xe thồ của Thanh Hóa, đã cùng đồng đội vượt qua hàng trăm cây số đường rừng, dốc cao vực sâu dưới sự truy quét của máy bay địch. Nhờ đó bộ đội ta trên chiến trường được cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, góp phần quan trọng để cuộc chiến đi tới thắng lợi cuối cùng.
Ông Hồng chia sẻ: Tôi là người trẻ nhất đại đội. Các anh em dân công từ khắp nơi về đây, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng khi vào đơn vị ai cũng tình cảm thân thiết, coi nhau như gia đình, động viên, giúp đỡ lẫn nhau. Tôi và toàn thể anh em tham gia Chiến dịch đều nghĩ dù có khó khăn đến mấy, tuổi trẻ được góp sức phục vụ cách mạng chính là niềm tự hào và là điều vinh dự...
Bài ca hào hùng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về lòng yêu nước và sức mạnh Việt Nam đã hun đúc thành “Thiên sử vàng” Chiến thắng Điện Biên Phủ, có sức lay động trái tim mỗi người để nhân lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3/1964): “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới...”.
Trong những ngày này, hàng nghìn người dân ở mọi miền đất nước cùng hướng về Điện Biên. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện còn 182 chiến sĩ Điện Biên, cựu TNXP và dân công hỏa tuyến đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau chiến thắng lẫy lừng, trong số lớp chiến sĩ Điện Biên ngày ấy có người tiếp tục theo con đường binh nghiệp, có người chuyển sang công tác tại các cơ quan nhà nước, các nông, lâm trường hay trở về quê hương lao động sản xuất. Dẫu ở vị trí công tác nào, thì "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn” ấy vẫn luôn là ký ức chói lọi, tự hào. Đó chính là di sản tinh thần vô giá, tạo nên động lực, sức mạnh hành động để mỗi người trong suốt 70 năm qua không ngừng phấn đấu, tiếp tục góp sức xây dựng quê hương Vùng mỏ, đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng./.
QN
Ý kiến bạn đọc