Hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh

Thứ bảy - 12/08/2023 16:10 1.090 0
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tập III (1955 - 1975), ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) khóa II, kỳ họp thứ 7 đã phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính lấy tên là tỉnh Quảng Ninh.
Bản đồ tỉnh Quảng Yên năm 1890.
Bản đồ tỉnh Quảng Yên năm 1890.
      Trước năm 1906, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh cùng chung một đơn vị hành chính với tên gọi tỉnh Quảng Yên. Sau khi thực dân Pháp xâm lược và thống trị nước ta, ngày 10 tháng 12 năm 1906, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Hải Ninh tách từ tỉnh Quảng Yên.

      Để phù hợp với tình hình đặc điểm của mỗi giai đoạn lịch sử, tỉnh Quảng Yên khi tách ra thành hai tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai (năm 1946), khi nhập lại thành liên tỉnh Quảng Hồng (3/1947), rồi lại tách thành Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (12/1948).

      Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại trên miền Bắc. Khu mỏ là nơi tập kết 300 ngày của quân đội Pháp trước khi chúng rút quân. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiếp quản Khu mỏ, tháng 2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập khu Hồng Quảng trên cơ sở sáp nhập Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên.

      Ngày 25/4/1955, khu mỏ được hoàn toàn giải phóng, khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh đã phối hợp chặt chẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, tạo điều kiện cho công cuộc khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy vậy, về mặt kinh tế, mỗi tỉnh có đặc điểm và ưu thế khác nhau, nhưng chưa hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, nếu hợp nhất sẽ tạo thuận lợi cho kinh tế và quốc phòng cả vùng Đông Bắc phát triển đều hơn và nhanh hơn.

      Đầu tháng 7 năm 1963, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Ninh đã tổ chức Hội nghị liên tịch bàn và nhất trí đề nghị Trung ương hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính.

      Ngày 04/10/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng có công văn gửi Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Bộ Nội vụ, Văn phòng nội chính, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Khu uỷ Hồng Quảng và Tỉnh uỷ Hải Ninh về việc: “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thống nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng làm một Tỉnh” để nghiên cứu kế hoạch thi hành. 

      Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 07/10/1963, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Ninh họp Hội nghị liên tịch ra nghị quyết về việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Nghị quyết nêu rõ: “Việc hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh là một yêu cầu khách quan, hoàn toàn phù hợp với lợi ích trước mắt và lâu dài của nhân dân 2 tỉnh, không những có lợi to lớn về kinh tế, chính trị, văn hoá, dân tộc và cán bộ mà còn có lợi ích to lớn về mặt quân sự và quốc phòng”.
hn2 1
Nghị quyết của Quốc hội khóa II về việc sáp nhập tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh

      Theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II ngày 30 tháng 10 năm 1963, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ung Văn Khiêm thay mặt Hội đồng Chính phủ đọc tờ trình, xin Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới. Nội dung tờ trình có đoạn viết:

      Tỉnh Hải Ninh diện tích rộng 4.460 km2, dân số 164.655 người, là một tỉnh còn có nhiều khả năng phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và có nhiều khoáng sản chưa khai thác.

      Khu Hồng Quảng diện tích rộng 2.616km2, dân số 282.732 người, là khu công nghiệp khai thác than đang trên đà phát triển.

      Nếu hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính với diện tích là 7.076 km, dân số 447.387 người, bao gồm 11 huyện, 5 thị xã, 157 xã sẽ có lợi về nhiều mặt.

      Về kinh tế, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác những tài nguyên phong phú của địa phương, làm cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được phát triển một cách toàn diện, do đó có thêm điều kiện để cải thiện đời sống của nhân dân địa phương.

      Về mặt tổ chức hành chính, sẽ có điều kiện để kiện toàn bộ máy lãnh đạo, tăng cường cán bộ cho cơ sở, giảm bớt được chi phí hành chính”

      Ngày 30/10/1963, Quốc hội ra nghị quyết, quyết nghị phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh.

      Quá trình hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh diễn ra thuận lợi, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng và toàn thể nhân dân, gây lòng tin tưởng tuyệt đối của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thắng lợi đó là tiền đề cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững bước thực hiện nhiệm vụ cách mạng mới./.

QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây