Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hình thức này ngày càng nở rộ, được quảng cáo trên các diễn đàn, mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Đối tượng mà tội phạm hướng tới là những người hưu trí (có tiền tiết kiệm), người trẻ, sinh viên mới ra trường, nhân viên văn phòng có mong muốn đa dạng nguồn thu nhập, kiếm tiền thời đại công nghệ 4.0, hoặc cán bộ, công nhân viên chức ở cơ quan nhà nước, muốn dùng tiền nhàn rỗi, tích lũy để đầu tư, sinh lời hơn gửi tiết kiệm, tạo nguồn thu nhập thụ động mà thiếu kiến thức về tài chính...
Về cách thức, thủ đoạn phạm tội, dưới dạng huy động vốn, mở bán gói đầu tư lãi suất, lợi nhuận cao, lấy tiền của người sau trả người trước. Các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực.
Chẳng hạn như bán các gian hàng trên các trang thương mại điện tử, ứng dụng mua bán trực tuyến để sau đó cho người khác thuê lại bán hàng, hoặc mua hàng tích điểm thưởng, càng mua nhiều gian hàng, mua nhiều hàng được hoàn lại điểm về tài khoản (trên ứng dụng); nạp nhiều tiền vào tài khoản và giới thiệu người tham gia như mình thì càng được lên cấp cao hơn, được thưởng hoa hồng cao; hoặc là mở bán các gói đầu tư, quyền kinh doanh thương hiệu, cam kết lợi nhuận cao, người mua được sở hữu cổ phần và trở thành cổ đông của công ty hưởng cổ tức trọn đời.
Một số vụ đa cấp điển hình bị triệt phá như: Liên kết Việt (năm 2016 gây thiệt hại hơn 1900 tỉ đồng); Gold times (năm 2020 gây thiệt hại 900 tỉ đồng); Bigbuy 24h (năm 2020 gây thiệt hại 500 tỉ đồng)...
Các đối tượng phạm tội thường đăng ký các doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng, báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,... vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng hình thức lừa đảo đầu tư tài chính, tiền ảo, Forex, BO (quyền chọn nhị phân) dưới dạng đa cấp bất hợp pháp. Người tham gia (còn gọi là người chơi, nhà đầu tư, đại lý) sẽ nộp một khoản tiền (nộp trực tiếp cho công ty hoặc thông qua người nhánh trên) dưới hình thức mở (mua) các gói đầu tư hoặc nạp tiền vào tài khoản trên sàn Forex, BO, tiền ảo (coin)... được cam kết lãi suất cao (có thể lên tới vài chục %/tháng), trả cố định theo tuần, tháng, quý...
Người chơi chỉ cần nạp tiền vào tài khoản đầu tư, không cần làm gì, sẽ có hệ thống robot tự động (Robot AI) thực hiện lệnh trading và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư; hoặc chính các nhân viên môi giới sẽ tạo các nhóm (group zalo, facebook, telegram) bắn tín hiệu (đọc lệnh, đọc nến) để nhà đầu tư thao tác đặt lệnh mua/bán các cặp tiền tệ, tiền ảo, vàng, dầu mỏ... đang được giao dịch trên thị trường quốc tế.
Các đối tượng lừa đảo liên tục tuyển người môi giới, mời gọi nhà đầu tư tham gia giao dịch tài chính và chi trả hoa hồng rất cao cho người giới thiệu dựa trên số tiền mà người chơi nạp vào tài khoản, bản chất là lấy tiền của người sau trả cho người trước. Để kích thích lòng tham, muốn kiếm tiền nhanh trong thời gian nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19, các đối tượng sử dụng các hình ảnh xe sang (do đối tượng đi thuê, mượn), ảnh chụp các kết quả giao dịch có lợi nhuận lớn... để người khác tò mò, tham gia.
Khi số tiền được nạp vào hệ thống đủ lớn, hoặc bị cơ quan chức năng điều tra, có đơn thư tố cáo thì chúng sẽ đánh sập hệ thống, không cho rút tiền. Thực chất, hệ thống giao dịch ở các sàn này là không có thật mà chỉ là phần mềm được tạo ra bởi các đối tượng lừa đảo, chúng có thể can thiệp vào các lệnh mua bán của nhà đầu tư (treo lệnh, không cho chốt lời, không cho cắt lỗ, không cho rút tiền), giai đoạn đầu chúng cho nhà đầu tư thắng nhỏ, sau đó chúng sẽ làm mọi cách khiến nhà đầu tư thua lỗ. Cứ như vậy, chúng xoay vòng liên tục tới các lớp nhà đầu tư khác.
Ở một số trường hợp, các đối tượng lừa đảo còn chiếm đoạt tài sản của người bị hại bằng cách sau khi nhà đầu tư nộp tiền mua gói đầu tư, thời gian đầu các đối tượng trả lãi đều, đến khi không trả được, chúng quy đổi số tiền mà nhà đầu tư đã nộp sang một loại tiền ảo do các đối tượng lừa đảo phát hành, có giá trị trao đổi, thanh toán nội bộ trong mạng lưới với nhau, với hứa hẹn sẽ niêm yết loại tiền ảo này trên các sàn giao dịch tiền điện tử uy tín thế giới (chuyển từ tiền thật sang tiền ảo), cuối cùng là bỏ mặc nhà đầu tư với số tiền ảo không có thật.
Một số vụ lừa đảo này đã bị triệt phá như Bigbuy 24h (chuyển đổi tiền nhà đầu tư đã nộp sang SB coin), Lion group - Fxtrading market (chuyển đổi sang FXT coin), Winsbank (chuyển đổi sang Win coin); Liber forex (chuyển sang Lib coin), Modern Tech (chuyển đổi sang Ifan, Pincoin)...
NQ (ST)
Nguồn tin: Theo Nguyên Vy (tapchicongthuong.vn)
Ý kiến bạn đọc