Ông Trần Bảo Ngọc - nguyên giám đốc mỏ than Mạo Khê những năm đầu thập niên 60 vẫn nhớ mãi những tháng ngày khó khăn, gian khổ của thời kỳ đầu kiến thiết mỏ. "Khi ấy, Mạo Khê là một mỏ hầm lò lớn, có tới 7.000 người, là một khu vực công nghiệp độc lập, tự lực tự cường, có nhiều ngành nghề ngoài than. Thời kỳ đầu tái lập và kiến thiết xây dựng mỏ vô cùng gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Gạo không đủ ăn, gỗ không đủ chống lò, vòng bi để lắp vào goòng chở than cũng thiếu. Trong khi đó, sự đầu tư của Nhà nước cho Mạo Khê dần thu hẹp. Trang thiết bị cung cấp cho mỏ cũng hạn chế dần. Khó là vậy, nhưng đội ngũ lãnh đạo mỏ đã củng cố, khơi dậy tinh thần đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm trong công nhân mỏ, khắc phục gian khổ, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo để bám trụ cùng mỏ" - ông Trần Bảo Ngọc nhớ lại.
Than Mạo Khê hôm nay đã trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày tái lập mỏ vào năm 1964. Chặng đường đã qua là sự kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của biết bao thế hệ cán bộ, thợ mỏ Mạo Khê, đóng góp những giá trị to lớn cho 87 năm truyền thống công nhân vùng Mỏ.
Sự nghiệp sản xuất than cho Tổ quốc chưa khi nào hết khó khăn, thử thách. Nếu khi xưa là những khó khăn, thiếu thốn về tư liệu sản xuất, thì nay là những thách thức của điều kiện địa chất, địa tầng, thiên tai và cơ chế thị trường. Song dù thử thách lớn đến mấy, bằng tinh thần tự lực, tự cường, những người lãnh đạo, thợ mỏ Mạo Khê vẫn đang đồng tâm tiến về phía trước bằng những dự án xuống sâu, nâng công suất khai thác và gia tăng tuổi thọ mỏ.
Ông Nguyễn Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cho biết: Hiện tại, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ để thông qua Dự án Đầu tư mở rộng khai thác lộ thiên các lộ vỉa mỏ Mạo Khê với công suất 250.000 tấn/năm. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050” theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023, dự kiến sẽ phê duyệt và khai thác vào năm 2024. Khi dự án được thông qua, góp phần duy trì sản lượng khai thác lộ thiên, nâng cao sản lượng chung của toàn mỏ, góp phần vào sự phát triển chung của công ty.
Kỷ luật và đồng tâm đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình xây dựng và phát triển của các đơn vị ngành than. Từ trong những buổi đầu sơ khai gian khó, lớp lớp thế hệ thợ mỏ đã góp công kiến thiết, xây dựng những công trường khai thác than, đưa những cỗ máy xuống sâu trong lòng đất để sản xuất từng tấn vàng đen cho Tổ quốc.
Trải qua chặng đường gần 60 năm xây dựng và phát triển, lớp lớp thế hệ thợ mỏ Than Vàng Danh ngày càng kỷ luật, đồng tâm, lập nhiều thành tích, đứng đầu khối sản xuất than hầm lò của Tập đoàn. Những phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi sôi nổi khắp các công trường, phân xưởng; nối tiếp, lan tỏa, trở thành truyền thống và thương hiệu của thợ mỏ Vàng Danh. Nhiều năm liên tiếp, Than Vàng Danh lập những kỷ lục toàn diện về sản lượng, doanh thu, bình quân thu nhập người lao động, đời sống thợ mỏ, phong trào văn hóa, thể thao...
"Phát huy tinh thần kỷ luật, đồng tâm, anh em công nhân chúng tôi ngày càng đoàn kết, gắn bó trong mỗi ca sản xuất và cả trong đời sống. Điều đó có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành sản lượng và năng suất mỗi ca, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Than Vàng Danh đang tăng cường cơ giới hóa dây chuyền sản xuất. Mỗi người đảm nhận một khâu công việc, phối hợp nhịp nhàng trong quy trình sản xuất sẽ tạo ra những tấn than, mét lò và cả thu nhập cao cho người thợ" - thợ lò Nguyễn Đức Hưng, Phân xưởng Khai thác 11, Công ty CP Than Vàng Danh chia sẻ.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, TKV và các đơn vị ngày càng nêu cao tinh thần kỷ luật đồng tâm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại vào sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, Đảng ủy TKV và Đảng ủy Than Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 10 về đẩy mạnh công tác khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh; Nghị quyết số 19 năm 2017 về đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cùng với cơ giới hoá, tự động hoá khai thác hầm lò, trong các giai đoạn phát triển, TKV đã quyết tâm ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư các lò giếng đứng và đang tiếp tục liên thông để tạo ra các mỏ lộ thiên công suất lớn. Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ khai thác than của Tập đoàn ngày càng tiệm cận mô hình mỏ than thông minh, hiện đại, năng suất, sản lượng cao; sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những ngày này, thợ mỏ vùng Than đang bước vào giai đoạn nước rút trong kế hoạch sản xuất quý IV. Trong 9 tháng năm 2023, TKV đã sản xuất 28,68 triệu tấn than nguyên khai, than tiêu thụ đạt 36,09 triệu tấn, trong đó than tiêu thụ cho các hộ điện đạt 30,02 triệu tấn, bằng 114 % so với cùng kỳ, tương ứng tăng 3,6 triệu tấn. Doanh thu toàn Tập đoàn trong 9 tháng của năm ước đạt 127.020 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước 23.440 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ; Thu nhập bình quân người lao động đạt trên 15,8 triệu đồng/tháng. Những kết quả toàn diện cũng khẳng định nỗ lực của TKV và những người Thợ Mỏ trong sự nghiệp sản xuất than, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển KT - XH đất nước./.
QN
Ý kiến bạn đọc