Theo đó, trong thời gian tới, ngành Than sẽ xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 4 làng mỏ tiêu biểu. Tại các làng mỏ, phố mỏ, người thợ sẽ được bố trí nhà ở với đầy đủ tiện nghi như: Ti vi, tủ lạnh, máy giặt, được ăn tự chọn, được tổ chức sinh nhật, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, thăm hỏi giúp đỡ khi khó khăn hoạn nạn, được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở.
Trên thực tế, từ thời Pháp thuộc, Vùng mỏ đã có rất nhiều người từ các tỉnh khác đến làm phu, rồi họ ở lại sinh cơ lập nghiệp. Từ Đông Triều qua Uông Bí, Hoành Bồ (cũ), Hạ Long đến Cẩm Phả, các mỏ than nối tiếp nhau tạo ra sự quần tụ công nhân mỏ với nhau, hình thành những xóm thợ hay làng mỏ, như: Làng mỏ Cao Sơn, Mông Dương, xóm thợ Mạo Khê, Hà Lầm.v.v..
Ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài, cho rằng: Làng mỏ, phố mỏ không phải là vấn đề mới vì chúng ta đã thực hiện ở Cao Sơn. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta nâng cấp nó lên, cho nó những nội hàm, giá trị mới.
Từ những năm đầu của thập kỷ 90 ở thế kỷ trước, người ta đã nhắc nhiều đến làng mỏ Cao Sơn. Năm 1986, lãnh đạo và thợ mỏ Cao Sơn đã thống nhất lấn biển xây dựng làng mỏ Cao Sơn. Giờ đây, làng mỏ Cao Sơn đã thành 3 khu dân cư, với gần một nghìn gia đình, chiếm khoảng 1/5 dân số phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả).
Không chỉ Than Cao Sơn, những năm gần đây, các đơn vị ngành Than, như: Than Dương Huy, Than Quang Hanh, Than Hạ Long, Than Nam Mẫu, Than Vàng Danh, Than Mạo Khê... đã đầu tư xây dựng những khu chung cư dành riêng cho công nhân rất khang trang.
Không chỉ đồng tâm trong lao động sản xuất, những người thợ mỏ còn đoàn kết, đồng lòng trong sinh hoạt thường nhật. Ông Lê Minh Chuẩn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, nhận định: Với đặc thù công việc nặng nhọc, vất vả, có phần nguy hiểm của những người thợ mỏ đã hình thành nên truyền thống văn hoá thợ mỏ với bản sắc rất riêng, mang những nét đặc trưng không thể trộn lẫn.
Đó là tinh thần đoàn kết, kiên cường, tiên phong cách mạng; cần cù, chịu khó, bản lĩnh vững vàng, không lùi bước trước khó khăn; tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao, gương mẫu kỷ cương; luôn lạc quan, yêu đời, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú; sống nhân ái nghĩa tình với đồng nghiệp và trách nhiệm cao với xã hội…
Và trong đó, giá trị cốt lõi của truyền thống văn hoá thợ mỏ là tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”. Văn hóa thợ mỏ giờ đây đã lan tỏa đến hầu khắp các tỉnh, thành trên dải đất hình chữ S của đất nước và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngành khai thác than và người thợ mỏ đã tạo ra những dấu ấn riêng ở một vùng tài nguyên rộng lớn, làm nên một vùng văn hoá mới - văn hoá Vùng mỏ. Ở phạm vi nhỏ hơn, mỗi mỏ than lại có nét văn hóa riêng. Về vùng than Đông Triều, sẽ gặp môi trường văn hoá ở Công ty Than Mạo Khê với nhiều dấu ấn văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Về vùng Than Uông Bí, sẽ gặp môi trường của Công ty Than Vàng Danh với một mô hình mang dấu ấn tươi mới.
Về vùng than Hòn Gai sẽ gặp được các công ty lớn, nhỏ thân thiện với môi trường. Công ty Than Hà Lầm với bức tranh sáng rỡ về việc chăm lo đời sống công nhân mỏ; Công ty Than Núi Béo trẻ, năng động với nhiều hoạt động tiêu biểu về văn hoá, thể thao và môi trường kinh doanh... Hay như đến vùng than Cẩm Phả, làng mỏ Cao Sơn là một địa danh có niềm tự hào riêng của Vùng mỏ.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề xuất: Cần phải thường xuyên, tuyên truyền, giáo dục cho thợ mỏ những giá trị cốt lõi về nghề mỏ, về truyền thống công nhân mỏ. Việc này cần phải thực hiện ngay từ khi thanh niên chọn nghề mỏ và theo học các trường nghề”.
NQ (ST)
Nguồn tin: Theo Huỳnh Đăng (baoquangninh.com.vn)
Ý kiến bạn đọc