Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022, hai ngành trụ cột này phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Trên thế giới, vấn đề cạnh tranh thương mại, xung đột vũ trang xảy ra một số nơi đã làm đứt gãy nguồn cung về năng lượng, gây khó khăn cho hoạt động thương mại, giao thương, thanh toán của nhóm nguyên nhiên liệu chiến lược bao gồm xăng dầu, khí đốt và than và dẫn đến giá một số nguyên vật liệu tăng... Trong nước, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là dịp đầu năm dịch bùng phát mạnh, gây thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Chỉ trong quý I/2022, TKV ghi nhận hơn 32.000 F0 là công nhân các đơn vị trực thuộc. Số lao động khối sản xuất than phải nghỉ việc do dịch bệnh nhiều, nhất là giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3, có thời điểm nhiều đơn vị chỉ còn khoảng 50-60% lao động đi làm. Một số đơn vị khai thác than hầm lò chỉ bố trí sản xuất được 2 ca/ngày. Bên cạnh đó, nhu cầu than tiêu thụ tăng cao, nhất là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong khi điều kiện sản xuất của nhiều đơn vị bị thiếu hụt lao động, giá nguyên liệu tăng. Theo số liệu thống kê, nhu cầu than cấp cho 7 nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh là 18,66 triệu tấn (trong đó TKV cung ứng 16,26 triệu tấn, Tổng Công ty Đông Bắc 1,7 triệu tấn và than mua ngoài là 0,7 triệu tấn).
Xác định sứ mệnh trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp phát triển KT-XH cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, Tập đoàn TKV và Tập đoàn EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tận dụng mọi cơ hội, nguồn lực mới; nâng cao tính chủ động, linh hoạt xây dựng phương án, kịch bản sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Để vượt qua khó khăn Tập đoàn đã chỉ đạo, điều hành thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Các đơn vị tiết giảm chi phí 2% trên tổng chi phí biến đổi bằng các giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp quản lý, bù đắp các chi phí tăng thêm hằng năm như xuống sâu và đi xa hơn, chi phí an toàn, thông gió thoát nước, chi phí phòng chống dịch Covid-19... Cùng với đó, tăng cường áp dụng tin học hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa khai thác đào lò để giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá cả đầu vào cho sản xuất tăng cao.
Biến những thách thức thành thời cơ, ngành Than đã nhanh chóng nắm bắt tình hình giá cả thị trường, nhất là trong bối cảnh giá than thế giới tăng cao để tập trung sản xuất các loại than cục, than cám chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu; đồng thời huy động than nhập khẩu để tăng sản lượng than pha trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước để cung cấp cho khách hàng.
Để đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, các đơn vị sản xuất than cũng đã có nhiều giải pháp thu hút nguồn nhân lực, phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng khai thác than để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Đồng hành cùng với ngành Than và Điện, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn liên quan đến phòng, chống dịch để ngành Than phát triển ổn định và tăng số lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế. Để không thiếu than cho sản xuất điện và thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ký biên bản phối hợp về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành điện, than; đảm bảo đủ điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc cho ngành than, điện trên địa bàn tỉnh...
Với những giải pháp chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn, tận dụng những cơ hội mới, nguồn lực mới, ngành Than và Điện tiếp tục khẳng định bản lĩnh, sự vững vàng vượt khó, ghi dấu ấn tăng trưởng ấn tượng. 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng cao, ước tăng 15,16%, cao hơn 18,19% so với cùng kỳ 2021, cao hơn 10,36 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng; chiếm tỷ trọng 19,4% trong GRDP của tỉnh. Đây là cũng ngành đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng GRDP chung của toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Sản lượng than ước đạt 24,86 triệu tấn, tăng 5,2% cùng kỳ, tăng 3% kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022.
Đối với ngành Điện, với 7 nhà máy điện than đang vận hành với tổng công suất 5.640MW, 6 tháng đầu năm, các nhà máy này đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia ước đạt 19,3 tỷ kWh, tăng 2,1% cùng kỳ, đóng góp lớn cho NSNN, cung cấp đủ sản lượng điện ổn định, tin cậy và an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là 2 ngành này đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho hàng vạn công nhân, đóng góp không nhỏ vào thu ngân sách của tỉnh.
Với những con số biết nói, ngành Than và ngành Điện đã làm tròn trọng trách là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiếp tục giữ vai trò 2 ngành kinh tế trụ cột trong phát triển của nền kinh tế toàn tỉnh và tạo động lực tăng trưởng cho các ngành kinh tế khác./.