Cách đây vừa tròn 69 năm, đúng 8h30' ngày 25/4/1955, tại cuộc mít tinh ở TX Hòn Gai, Ủy ban Quân chính Hồng Quảng ra mắt trước toàn thể nhân dân. Đại diện quân sự đã đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp và ông Nguyễn Ngọc Đàm, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hồng Quảng lúc bấy giờ đã đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào khu Hồng Quảng: “Những vùng quân đội Pháp chiếm đóng trước đây đã lần lượt được giải phóng, đồng bào Hòn Gai, Quảng Yên lại được sống tự do” - Đó là lời khẳng định trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là niềm vui của biết bao người dân Vùng mỏ.
69 năm đã trôi qua, nhưng với những người lính được tham gia vào đội quân tiến vào tiếp quản Vùng mỏ ngày ấy, tất cả chỉ mới như vừa diễn ra. Ông Lê Ngọc Lâm năm nay dù đã 91 tuổi, nhưng vẫn còn rất minh mẫn. 69 năm trước, ông Lâm chính là người trực tiếp tham gia tiếp quản Vùng mỏ khi là chiến sĩ của Trung đoàn 244. Ông cùng nhiều đồng đội được giao nhiệm vụ đặc biệt, vào trước các vị trí Pháp đóng quân ở Vùng mỏ để bảo vệ nhân dân, chống địch phá hoại, bảo đảm cơ sở hạ tầng để khi bộ đội chính quy tiếp quản được toàn vẹn.
Nhớ về những ngày đầu tham gia tiếp quản Vùng mỏ, ông Lâm chia sẻ: Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trong bối cảnh lịch sử ấy, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Sư đoàn bộ binh 350 gồm 5 trung đoàn là: 600, 254, 53, 94 và 244. Đây là những đơn vị tập trung từ các chiến trường, địa phương trong các liên khu phía Bắc về làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng gồm những thành phố lớn, khu công nghiệp… Trong đó, Trung đoàn 244 được thành lập gồm 3 tiểu đoàn, với nhiệm vụ tiếp quản Vùng mỏ. Từ sáng ngày 22/4/1955, đơn vị đã vào tiếp quản các khu vực Cửa Ông, Cọc 6, Đèo Nai, rồi sang Quang Hanh, Hà Tu và về TX Hòn Gai để áp giải tên lính Pháp cuối cùng lên tàu ở bến phà Hòn Gai ngày 25/4/1955.
“Không khí Vùng mỏ trước ngày bộ đội ta về tiếp quản khá im ắng. Nhưng khi tên lính cuối cùng bước lên tàu, cả Vùng mỏ như bừng tỉnh với rợp cờ hoa. Thuyền cá và người dân ùa ra, thuyền cắm cờ, người dân hai bên vẫy cờ, hoa và hô vang “Ủng hộ Việt Minh” - ông Lâm xúc động kể lại.
Thời gian đi qua, nhưng ký ức lịch sử về những ngày giải phóng vẫn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi người dân Quảng Ninh về truyền thống đấu tranh bất khuất, để quyết tâm xây dựng Vùng mỏ ngày một giầu mạnh. Viết tiếp truyền thống hào hùng đó, trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, ý chí tự lực, tự cường; kiên định, nhất quán mục tiêu; kiên trì, nỗ lực, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để giữ vững sự ổn định, đổi mới và phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả hơn.
Nhìn lại 69 năm sau ngày giải phóng, Quảng Ninh hôm nay đã có những bước đi vững chắc, tự tin trên hành trình đổi mới và vươn xa. Từ một Vùng mỏ nghèo, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn những ngày đầu giải phóng, nay sau gần 40 năm đổi mới, Quảng Ninh trở thành một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; luôn nằm trong top đầu cả nước với 9 năm liên tiếp có tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số. Quy mô đứng thứ 3 phía Bắc (chỉ sau Hà Nội, Hải Phòng). GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt trên 9.500 USD, gấp 2,23 lần so với bình quân chung cả nước và đứng thứ 2 toàn quốc...
Ông Trần Sỹ Nhị (tổ 3, khu 4, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) khẳng định: Khác hẳn với ngày xưa, cuộc sống của người dân Vùng mỏ giờ đã đổi thay nhiều lắm. Điện, đường, trường, trạm được xây dựng rất đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Quảng Ninh giờ đây đã tiến được những bước rất dài, vững chắc, đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực KT-XH. Là công dân của Vùng mỏ, chúng tôi tin tưởng trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và sự đoàn kết của nhân dân, chắc chắn Quảng Ninh sẽ có sự phát triển bứt phá hơn nữa, trở thành một trong những nơi đáng sống nhất trong cả nước./.
QN
Ý kiến bạn đọc