Hướng đi mới cho đá thải mỏ ở Quảng Ninh

Thứ bảy - 12/08/2023 15:45 799 0
Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khối sản xuất, sàng tuyển chế biến than làm tốt công tác tận thu từ đất đá lẫn than, bố trí diện đổ thải phù hợp; đồng thời tích cực tìm hướng đi mới đề xuất với tỉnh về phương án bán đất đá thải mỏ ra ngoài tỉnh. Nếu chủ trương này được triển khai, một lượng lớn đá thải mỏ sẽ được vận chuyển và bán ra ngoài tỉnh, đồng nghĩa với việc TKV tiết kiệm được rất nhiều loại chi phí liên quan đến công tác xử lý và đổ thải như hiện nay.
Hàng năm, các đơn vị khai thác than lộ thiên của TKV thải ra trên 150 triệu m3 đất đá thải.
Hàng năm, các đơn vị khai thác than lộ thiên của TKV thải ra trên 150 triệu m3 đất đá thải.

      Công ty CP Than Đèo Nai là đơn vị khai thác than lộ thiên quy mô lớn của TKV, với sản lượng bình quân hàng năm trên 2,5 triệu tấn than nguyên khai. "Theo quy trình công nghệ, để khai thác được sản lượng than nói trên, mỗi năm, Than Đèo Nai sẽ phải bóc xúc, đổ thải từ 19-21 triệu m3 đất đá, hệ số bóc trên 13m3/tấn. Đó là chưa kể đến 300-500 tấn đá thải mỗi năm từ hoạt động sàng tuyển, tận thu than từ sản phẩm ngoài than. Kéo theo đó là những áp lực về quy mô bãi đổ thải, chi phí vận tải, chi phí nhân công, chi phí môi trường..." - ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Công ty cho biết. 

      Không riêng Than Đèo Nai, khối lượng đất đá bóc xúc và đổ thải của các đơn vị ngành than ngày một lớn hơn, do diện khai thác ngày càng xuống sâu. Các mỏ lộ thiên hầu hết đã tiệm cận độ sâu khai thác từ -200 đến -300m so với mực nước biển. Tính toán sơ bộ, để khai thác ra một tấn than cần phải bóc đi từ 11-13 triệu m3 đất đá. Như vậy, trung bình mỗi năm, lượng đất đá thải bóc xúc từ công nghệ khai thác của các mỏ than lộ thiên của TKV là khoảng 150 triệu m3.

      Các đơn vị khối sàng tuyển, tiêu thụ cũng thải ra lượng đá sau tuyển vô cùng lớn và cũng phải gánh những áp lực về diện đổ thải cùng nhiều loại chi phí liên quan. 

      Công ty Tuyển than Cửa Ông - đơn vị đang vận hành hệ thống dây chuyền sàng tuyển, chế biến than lớn nhất Tập đoàn, trung bình một năm, Công ty Tuyển than Cửa Ông điều hành sản xuất với khoảng 12-13 triệu tấn than nguyên khai được sàng tuyển, chế biến và lượng đá thải lên tới hơn 1,3 triệu tấn. Theo quy định, loại đá thải này không còn giá trị sử dụng và phải đem đổ vào các bãi thải đã được quy hoạch của ngành than.

      Để xử lý khối lượng đá thải lớn này, Công ty Tuyển than Cửa Ông bố trí 1 phân xưởng Vận tải quy mô nhân lực và phương tiện, thiết bị hiện đại, đồng bộ. Và phân xưởng Vận tải hiện đang quản lý 38 đầu máy các loại, trên 640 toa xe các loại và hơn 500 nhân lực vận hành 3 ca/ngày. Ngoài ra, Công ty vẫn đang quản lý, vận hành một hệ thống vận tải đá thải ngược vào mỏ, với tổng khối lượng vận chuyển tính từ năm 2020 đến nay là hơn 3 triệu tấn đá thải. 

      Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Giám đốc Công ty, hiện nay, giá thành vận chuyển/1 tấn đá thải từ nhà máy sàng tuyển vào bãi thải mỏ Đông Cao Sơn là khoảng 60.000 đồng/tấn. Cùng nhiều loại chi phí liên quan như san gạt, thuê đường vận tải, mỗi năm, doanh nghiệp tiêu tốn từ 75-80 tỷ đồng để “mang rác đi đổ”.

      Hơn 1 tỷ m3 đất đá thải mỏ của các đơn vị khối sản xuất và sàng tuyển, chế biến, tiêu thụ đang chứa tại các bãi thải của TKV là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành than và tỉnh Quảng Ninh. Từ trước đó, khối lượng đất đá này chỉ dùng để lấp lại các moong khai thác, cải tạo các tầng thải, cải tạo phục hồi môi trường các đơn vị ngành than. Nhưng khối lượng đá thải mỏ xử lý theo hướng này vẫn còn quá nhỏ so với khối lượng đá thải đang tồn ở các bãi chứa.

      Năm 2017, một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được sự đồng ý của tỉnh và TKV, sử dụng đất đá thải mỏ ở bãi thải Đông Cao Sơn để sản xuất cát nghiền nhân tạo, thay thế cho cát tự nhiên. Đây cũng là lần đầu tiên một dây chuyền xử lý đá cát kết thành cát nhân tạo được đưa về Việt Nam và đặt tại bãi thải lớn của vùng than Cẩm Phả - nơi mà hàng năm lượng đất đá từ các mỏ thải ra khoảng 32-36 triệu tấn và phải tốn rất nhiều chi phí cho việc xử lý thải.

      Tiếp tục triển khai chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2018, TKV đã tính toán đến khả năng tái sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng trên địa bàn. Sau nhiều nỗ lực của tỉnh và TKV, cuối năm 2022, Tập đoàn đã khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp tại khu vực Bãi thải phía trụ Nam - mỏ Suối Lại, Công ty Than Hòn Gai - TKV, với khối lượng thu hồi là 3,5 triệu m3.

      Tuy nhiên, khối lượng đất đá thải mỏ xử lý theo hướng này vẫn còn hạn chế, trong khi hàng năm, các dây chuyền khai thác, sàng tuyển, chế biến của Tập đoàn vẫn đang thải ra hàng trăm triệu m3 đất đá. 

dh2 1
Hệ thống sàng tuyển, chế biến than của Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV mỗi năm thải ra 1,3 triệu tấn đá thải.

      Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới có một số doanh nghiệp đã được đồng ý mua đá thải của TKV làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Để tiếp tục tìm hướng đi mới cho đá thải mỏ vùng Quảng Ninh, TKV tích cực đề xuất, xin chủ trương được bán đá thải mỏ ra ngoài tỉnh cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng. Nếu chủ trương này sớm được đồng ý thì TKV sẽ giảm được rất nhiều gánh nặng về chi phí, đồng thời tăng được nguồn thu lớn. 

      Tuy nhiên, các ngành chức năng và TKV sẽ cần những cam kết chặt chẽ nhằm đảm bảo quy trình xử lý, vận chuyển và tính chất đá thải mỏ khi bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu, tránh những nguy cơ về thất thoát tài nguyên và mất an ninh trật tự trong quá trình thực hiện./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây