Nhìn lại những ngày chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, trong bối cảnh sản xuất cả thế giới bị đình trệ do dịch bệnh, thì ở Quảng Ninh trong suốt thời gian dịch bệnh hàng vạn thợ mỏ vẫn ngày ngày đi trong lò nghe tiếng khoan reo, tiếng gió lùa, tiếp tục thi đua lao động sản xuất làm ra thật nhiều than để bù đắp cho sự sụt giảm của các ngành kinh tế khác. Họ vẫn giữ trụ cột là những lao động sản xuất chính, góp phần giữ an yên cho xã hội bằng nhịp sống của vùng Than. “Sản xuất than như quân đội đánh giặc” mệnh lệnh đó đã được những “chiến sỹ” vùng Đông Bắc tuân thủ nghiêm ngặt, hơn 100.000 thợ mỏ được đảm bảo an toàn tuyệt đối trước dịch bệnh. Lần đầu tiên hơn 10 vạn công nhân ngành Than, công nhân lao động trong các KCN, KKT đã ở lại tỉnh Quảng Ninh ăn Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Năm 2021 ngành Than sản xuất được 45,1 triệu tấn (tăng 8,83% so với năm 2020). Năm 2022 sản lượng than sạch sản xuất đạt 45,2 triệu tấn (tăng 0,24% so với năm 2021) và dự kiến năm 2023 nhịp độ sản xuất này tiếp tục được duy trì ổn định. Tính chung trong 3 năm (2021 - 2023) tổng sản lượng than sạch được sản xuất tại Quảng Ninh đạt 135,56 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 2,9%/năm.
Trong bối cảnh ngành dịch vụ phục hồi chậm, tỉnh đã tập trung vào ngành khai khoáng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời, hiệu quả cho hoạt động sản xuất than như: phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản trong làm việc với Trung ương tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong việc cấp quyền khai thác khoáng sản, thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng tồn kho nhằm tăng tối đa sản lượng khai thác, doanh thu, đời sống người lao động. Trong lộ trình thực hiện việc giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng trong GRDP để phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, ngành Than đã tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu khai thác theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo tỷ lệ khai thác hầm lò 70%, lộ thiên 30% và từng bước thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch.
Linh hoạt, ứng biến với các tình huống phát sinh, giữ dòng than chủ đạo chảy trong số thu nội địa của tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh gây khó khăn cho các ngành sản xuất khác, Quảng Ninh và Than đã thành công trong giữ nhịp sản xuất ở vùng Mỏ, giữ ổn định đời sống xã hội của hàng trăm nghìn gia đình có liên quan đến hoạt động sản xuất than. Theo tính toán thì đóng góp của ngành Than vào số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh trong 3 năm qua vẫn chiếm tỷ trọng lớn, năm 2020 là 39,1%, năm 2021 là 36,7%, năm 2022 là 40,9%.
“Trong diễn tiến phát triển của các ngành kinh tế ở một địa phương, cũng có lúc thăng, có lúc trầm nhưng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa tỉnh Quảng Ninh và ngành Than luôn luôn rực sáng như tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ và người dân Quảng Ninh. Thực hiện việc chuyển đổi phương thức phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, để phát triển bền vững hơn thì ngành Than vừa qua và tới đây sẽ tiếp tục có những chuyển đổi phù hợp với xu thế phát triển chung của tỉnh, nhất là trong thực hiện kết thúc khai thác lộ thiên theo quy hoạch nhưng dù có chiếm tỷ trọng cao hay giảm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thì đời sống dân sinh, xã hội của hàng trăm nghìn gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn phải từ sự phát triển ổn định của ngành Than. Vì vậy sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng vẫn là một trụ cột trong phát triển của tỉnh Quảng Ninh”. - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết.
QN
Ý kiến bạn đọc