Đề xuất một số giải pháp đảm bảo cung ứng năng lượng tại Hội thảo quốc tế về "Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050"

Thứ hai - 07/12/2020 20:22 513 0
Để cụ thể hóa các vấn đề được nêu ra tại Hội thảo quốc tế “Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức ngày 20/11/2020, tại Hà Nội. Sau khi cùng các chuyên gia, nhà khoa học họp bàn, xem xét, phân tích, cân nhắc các ý kiến, VEA đã kiến nghị, đề xuất một số biện pháp với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành.
Đề xuất một số giải pháp đảm bảo cung ứng năng lượng tại Hội thảo quốc tế về "Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050"
       Nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn, thách thức để bảo đảm phát triển bền vững, cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm giải quyết một số nội dung cấp bách sau:

1. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
a) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan rà soát sửa đổi, hoàn thiện các luật chuyên ngành như Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các luật liên quan đến nội dung và phạm vi điều chỉnh đến ngành năng lượng, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản và tài chính, xây dựng bổ sung các Nghị định hướng dẫn thống nhất, tránh mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật, giữa các cơ quan ban hành để tránh chồng chéo; phù hợp với thực tiễn phát triển, đồng bộ trong các khâu thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng.
b) Giao các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh và sớm ban hành các quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng theo Luật Quy hoạch 2018, nhất là Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản (trong đó có than);...
c) Ban hành Chỉ thị tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu tiết kiệm điện năm 2025 bằng 3 - 5% điện thương phẩm.
d) Giải quyết, chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu xếp đủ vốn cho các dự án năng lượng.
đ) Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện trong giai đoạn 2021- 2025.
e) Chỉ đạo, thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu than, đảm bảo chất lượng và số lượng ổn định lâu dài cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác.
g) Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ dầu mỏ, khí đốt: Chỉ đạo chủ đầu tư các dự án đưa khí từ Lô B và mỏ Cá Voi Xanh và các dự án điện đồng bộ sớm hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để có thể đưa vào sử dụng từ năm 2024 - 2025.

2. Kiến nghị Bộ Công Thương:
- Chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và quản lý nhu cầu (DSM). Trong các năm tới, ưu tiên cho khu vực miền Nam.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn điện đã được phê duyệt quy hoạch.
- Chỉ đạo nghiên cứu, sớm ban hành cơ chế phí - giá khuyến khích phát triển các nguồn làm dự phòng linh hoạt cho điện gió, điện mặt trời.
- Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện; thực hiện các giải pháp để bổ sung kịp thời nguồn khí mới, bù đắp cho các nguồn khí hiện hữu tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đang bị suy giảm.
- Chỉ đạo EVN thực hiện các giải pháp và đàm phán nhằm tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
- Phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch và chỉ đạo tập trung đầu tư công trình lưới điện 220 - 110kV để đấu nối truyền tải các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
- Tạo điều kiện để phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, ưu tiên phát triến các dự án gần trung tâm phụ tải, thuận tiện đấu nối.
- Giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc và có cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tiến độ Chuỗi dự án khí Lô B, khí Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ.
- Chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo cấp tỉnh. Tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo quốc gia.
- Nghiên cứu ban hành/ hoặc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định hệ thống điện khi nguồn điện gió, điện mặt trời có tỷ lệ cao; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS), thủy điện tích năng, đồng bộ với phát triển năng lượng tái tạo.
- Nghiên cứu, ban hành/hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình lưới điện để bảo đảm truyền tải hết công suất phát của các nhà máy điện và các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn các tỉnh sẽ hoà vào Hệ thống điện quốc gia.
- Chỉ đạo nghiên cứu phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời tại khu vực phía Nam, đưa vào vận hành từ năm 2021 - 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho khu vực này khi nhiều nhà máy nhiệt điện đang xây dựng đưa vào chậm so với tiến độ đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Chính sửa đổi thông tư về đánh phí các trụ gió trên biển bằng phí trụ gió trên mặt đất chứ không phải đánh phí trên biển là đánh phí trên toàn bộ mặt biển, làm như vậy nhà đầu tư không có tiền để đầu tư các dự án trên biển.
- Việt Nam có tiềm năng về điện gió ngoài khơi rất lớn Chính phủ cần có chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi để có thể thay thế được các nguồn năng lượng truyền thống, bởi vì chỉ có điện gió ngoài khơi mới có tốc độ gió từ 9m/s trở lên đủ quay tubin từ 10MW trở lên tạo sản lượng điện hàng tỷ kWh/năm ngày phát được 24/24h.
- Đề nghị Chính phủ giao các Bộ, Ngành, các Viện nghiên cứu tìm giải pháp công nghệ xây dựng một tổ hợp cơ khí để sản xuất ra tâm pin mặt trời, hệ thống Inverter (nâng điện áp), chuyển dòng điện một chiều thành xoay chiều... tubin gió từ 2,4MW đến 10MW và các sản phẩm khác của ngành năng lượng tái tạo Việt Nam để tránh nhập khẩu tốn kém ngoại tệ và nâng năng lực sản xuất lên ngang tầm khu vực và thế giới để chủ động trong phát triển năng lượng tái tạo./.

CTV

Ghi rõ nguồn "Than Thống Nhất - TKV" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây