Từ xa xưa, Quảng Ninh đã được coi là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là nơi có bề dày truyền thống yêu nước đấu tranh cách mạng, nơi gắn liền với cội nguồn nhà Trần, một trong những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào "vô sản hóa", nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước, làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của Đảng, của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Những giá trị hội tụ trong suốt chiều dài lịch sử về tự nhiên, xã hội, truyền thống đấu tranh dựng nước đã hình thành, phát triển và định hình nên cốt cách con người Quảng Ninh anh dũng trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; hào sảng, thân thiện trong cuộc sống…
Các nhà khảo cổ đã chứng minh Vịnh Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ với ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm. Đó là Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Trong các nền văn hóa này, cư dân trong khu vực đều có liên quan đến biển. Đặc biệt, đến thời kỳ Văn hóa Hạ Long, yếu tố biển lại càng rõ ràng: Họ cư trú trên các đảo, trên các đượng cát cạnh các vũng vịnh ven biển; họ khai thác biển bằng phương thức bắt nhuyễn thể, đánh cá bằng chài lưới, đăng đó, rào chắn, bằng lao, chế tác thuyền đi biển… Bằng chứng còn lại là một loạt rìu búa lớn bằng đá cứng, bán quí không hề phát hiện được ở nơi nào khác trên đất nước ta, ngoài phạm vi phân bố của Văn hóa Hạ Long…
Từ Văn hóa Hạ Long đến ngàn năm sau này, ngư dân các vùng Hải Ninh, Hòn Gai, Quảng Yên cũng bám biển mà sống, bám biển mà đi lên nên đặc trưng con người Quảng Ninh cũng mang đặc trưng của con người vùng biển. Đó là sự mạnh mẽ, bản lĩnh kiên cường, quyết đoán, sẵn sàng đương đầu với khó khăn thử thách, là sự cởi mở, hợp tác và cố kết cộng đồng. Nhưng Quảng Ninh không chỉ có văn hóa biển mà nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết được rằng: Văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp của cả 3 yếu tố: “Văn hóa biển”, “Văn hóa công nhân mỏ” và “Văn hóa đồng bằng sông Hồng”. 3 yếu tố văn hóa đó đã hội tụ, gắn kết với nhau một cách hài hòa, mà chất keo gắn kết lại không gì khác ngoài cái gốc là môi trường biển đảo phóng khoáng. Văn hóa biển đã tạo nên “cái chất” con người Quảng Ninh hào sảng, bao dung, nghĩa tình, không cục bộ địa phương nên dễ dung nạp hài hòa cùng “Văn hóa đồng bằng sông Hồng”, “Văn hóa công nhân mỏ”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quá trình phát triển kinh tế - xã hội qua các giai đoạn lịch sử, Quảng Ninh là nơi hội tụ của rất nhiều người từ các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống, lập nghiệp, mang đến sự kết hợp đa dạng văn hóa. Sống gần biển nên con người Quảng Ninh hòa hợp với thiên nhiên, phóng khoáng, ước mong cuộc sống bình yên, sống đoàn kết, thương yêu, trọng nghĩa tình. Người Quảng Ninh kính trọng thương yêu cha mẹ, ông bà, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai hoang khẩn đất. Hàng chục năm qua, việc duy trì nghi lễ truyền thống mừng và rước cụ Thượng hằng năm ở khu vực Hà Nam (thị xã Quảng Yên) là minh chứng sinh động.
Cuộc sống nơi biên cương núi non hiểm trở, thường bị thiên nhiên đe dọa, giặc giã thổ phỉ, hải phỉ cướp bóc đã hình thành, tôi luyện người Quảng Ninh có đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí, sáng tạo. Đặc biệt, văn hóa của người Quảng Ninh được hình thành bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng Mỏ. Chính vì thế, con người Quảng Ninh có sự kết hợp giữa văn hóa biển với những giá trị truyền thống, bản địa như hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hóa công nhân mỏ hiền hậu, sáng tạo, văn minh, đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm.
Khi nói về con người và vùng đất Quảng Yên quê mình, Trung tướng Lê Đức Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam, chia sẻ: “Trong tôi, quê hương Quảng Yên vừa đằm sâu vừa quật cường khí thế. Con người thẳng thắn, ăn sóng nói gió đấy mà không hề nông nổi, cạn nghĩ suy. Ẩn trong vẻ mộc mạc, chân quê là sâu nghĩa nặng tình. Trong ký ức của tôi, miền quê ấy đã nắng thì nắng chan hòa, đã gió thì gió ầm ào, cởi mở. Ruộng đồng đã xanh là xanh thăm thẳm, sóng đã đục là phù sa nồng nàn. Và hàng năm, các dòng họ, xã phường nơi đây lại hòa chung không khí đoàn kết, vui tươi của những lễ hội dân gian như Lễ hội Bạch Đằng, Tiên Công, lễ hội Xuống đồng hay những ngày hội xuân rộn ràng lời ca, tiếng hát. Đất ấy, người này hẳn phải là sự giao hòa giữa cái mạnh mẽ, khoáng đạt của biển và sự bền bỉ, thủy chung, nhẫn nại của đồng bãi bồi tụ ngàn năm…”
Trưởng thành từ người công nhân mỏ Quảng Ninh, từng giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt, ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: "Chính môi trường làm việc khắc nghiệt, nhiều rủi ro hơn bất cứ ngành nghề nào khác đã rèn giũa tinh thần kỷ luật đặc biệt của con người vùng Mỏ. Ông nhận định: Nghề mỏ là nghề đặc biệt đòi hỏi người lao động phải tuân thủ kỷ luật cao với ý chí sắt đá. Từ người lãnh đạo với thợ, thợ với thợ, dây chuyền này với dây chuyền khác phải có sự liên kết, mối quan hệ mật thiết với nhau nên đòi hỏi ý thức kỷ luật cao, hình thành bản chất giai cấp công nhân. Vì vậy đòi hỏi ý thức tổ chức kỷ luật và đồng tâm rất cao và tất cả phải tuân thủ nguyên tắc, quy trình, quy phạm mới làm việc qua đó xây dựng được mối quan hệ đồng tâm và kỷ luật".
Trải qua thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bộ Lục Hải, Hải Đông, An Bang, Quảng Yên, Hải Ninh xưa và Quảng Ninh ngày nay đã chứng kiến những chiến thắng oai hùng của dân tộc ta đi vào sử sách như những mốc son chói lọi, lưu danh muôn thuở. Đó là, Bạch Đằng Giang lịch sử đã 3 lần quân và dân Đại Việt nhấn chìm mộng xâm lăng của quân giặc phương Bắc vào các năm 938, 981, 1288. Đỉnh cao là trận đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đế quốc được coi là bất khả chiến bại, của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn năm 1288 đã đúc lên một chân lý “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Đặc biệt ngay từ khi phong trào cách mạng mới bắt đầu hình thành, vùng mỏ Quảng Ninh đã trở thành cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, trở thành trường rèn luyện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giác ngộ ý thức giai cấp cho giai cấp công nhân Việt Nam. Trong chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng ta, vùng mỏ Quảng Ninh là trường học thực tiễn, tôi luyện ý chí kiên cường của các chiến sỹ cộng sản. Những người con ưu tú của cách mạng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chiến sỹ cách mạng Đào Phúc Lộc, Vũ Văn Hiếu, Đặng Châu Tuệ… những người khai sinh, phát triển phong trào vô sản, phong trào cách mạng ở Vùng mỏ trở thành những biểu tượng “sống vì Đảng, chết cũng không rời Đảng”, là ngọn lửa cách mạng soi rọi trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc vùng Mỏ Quảng Ninh.
Hay như Cuộc Tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều tháng 11/1936 đã giành thắng lợi vẻ vang, trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ (1936 - 1939) làm tỏa sáng tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”.
Ông Nguyễn Duy Nhượng - Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hải Ninh, chia sẻ: Tôi rất tự hào khi hàng nghìn người con của quê hương Móng Cái, các cán bộ, đảng viên, bộ đội, dân quân du kích, quần chúng nhân dân luôn nêu cao tinh thần chiến đấu kiên trung, quật cường. Giữa những gian khổ, đau thương, mất mát của những cuộc chiến thì vẫn luôn lấp lánh ngọn lửa của lòng yêu nước, của ý chí anh hùng trong trái tim mỗi con người vùng đất địa đầu. Tôi còn nhớ, chứng kiến những cuộc càn quét của địch đi qua, người dân tứ xứ về Móng Cái sinh sống, làm ăn sẵn sàng bỏ lại chạy đi sơ tán khắp nơi, nhưng người dân Móng Cái thì luôn đoàn kết ở lại, chung niềm tin, chung ý chí, dũng cảm đương đầu, chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để giữ lấy từng tấc đất quê hương. Phải chăng được sinh ra ở nơi “đầu sóng ngọn gió” nên cái chất kiên cường, quả cảm đã tự thấm vào máu của con người nơi đây như vậy.
Kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của những người đi trước, mỗi thế hệ người Quảng Ninh luôn ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình, cố gắng, nỗ lực mỗi ngày để hoàn thiện hơn. Tỉnh cũng đặt ra những tiêu chí xây dựng con người Quảng Ninh ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới và tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh trong suốt chặng đường đổi mới, từ đó không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tỉnh đã tập trung xây dựng một số đề án, quy định, quy tắc làm chuẩn mực trong xây dựng môi trường văn hóa, hình ảnh con người Quảng Ninh. Trong đó, yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng quy tắc ứng xử, thực hiện thường xuyên, lâu dài và là cẩm nang hướng dẫn cách ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú, nơi công cộng, trên mạng xã hội; đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng, văn minh, thân thiện. Ngày 09/3/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu là xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện.
Đặc biệt, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định một trong những quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh là: Lấy phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm. Từ đó đề ra nhiệm vụ thường xuyên và các giải pháp lớn để thực hiện, là phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước. Trên cơ sở đó, tỉnh và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội tập trung bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức tuân thủ pháp luật, xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Các chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người Quảng Ninh dần được hình thành đưa vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức, bước đầu có kết quả tích cực. Các phong trào khởi nghiệp, phong trào thiện nguyện, xây dựng con người gắn với phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ tuổi mầm non, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng sống, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mỹ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Quảng Ninh. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân được phát huy.
Thực tiễn cho thấy, những nỗ lực trong xây dựng và phát triển con người Quảng Ninh đã thu được những “trái ngọt” đáng tự hào. Đó là Đảng bộ nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động để thực hiện có hiệu quả các quyết sách đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền có nhiều tiến bộ, coi trọng chất lượng cải cách hành chính, cài thiện môi trường đầu tư kinh doanh với cách làm và sự đầu tư bài bản, thực sự đặt người dân, doanh nghiệp ở vị trí trung tâm và đã tạo ra bước đột phá mới, trở thành địa phương duy nhất nhiều năm liền dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và tình hình bất ổn trên thế giới nhưng tỉnh vẫn giữ vững đà tăng trưởng cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022); quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững: Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 5,2% trong cơ cấu kinh tế.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, để đạt được những thành tựu trên, Quảng Ninh trên cơ sở đường lối, chủ trương chung của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn để vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển của tỉnh theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”. Việc hoạch định chủ trương, chiến lược tạo đột phá trong phát triển bắt đầu từ nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh. Trong đó có cả những yếu tố “thiên tạo” như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo; có những yếu tố “nhân tạo”, như Di sản Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, Thương cảng Vân Đồn.
Ngoài ra còn có cả những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của Vùng mỏ Anh hùng, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây chính là những lợi thế so sánh riêng có mà tư duy lãnh đạo của các thế hệ ở Quảng Ninh đã nhận diện đúng, trúng và có chính sách can thiệp phù hợp để biến tiềm năng thành động năng, chuyển hóa thành nguồn lực và động lực cho phát triển. Cán bộ, nhân dân Quảng Ninh đã biến những khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra và những mâu thuẫn, khó khăn, thách thức nảy sinh trong quá trình phát triển ở địa phương, những áp lực trong công việc hàng ngày thành cơ hội để rèn luyện, tôi luyện bản lĩnh ý chí, nghị lực, năng lực sáng tạo... Càng trong khó khăn, thử thách, con người Quảng Ninh càng phát huy sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, người đứng đầu càng nêu gương, làm gương.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Quảng Ninh đang từng bước hình thành các giá trị chuẩn mực góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, thích ứng với tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng..., nâng cao sức mạnh nội sinh nhằm khắc phục những hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức xã hội. Hiện nay, UBND tỉnh xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Quyết định số 2218/QĐ-UBND, ngày 02/7/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ: Đề án xây dựng Bộ tiêu chí người Quảng Ninh). Theo đó, Đề án nghiên cứu đặc điểm văn hóa con người, vùng đất Quảng Ninh; xác định rõ những nhân tố tác động đến xây dựng con người Quảng Ninh trong bối cảnh kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; định hướng giá trị và chuẩn mực của con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; các tiêu chí cơ bản con người Quảng Ninh cần vươn tới và thực hiện.