Từ năm 1964, vùng than Quảng Ninh có rất nhiều sự kiện cách mạng điển hình, cổ vũ khí thế lao động, chiến đấu dâng lên những đợt sóng lớn. “Đợt sóng” đầu tiên chính là ngày 5/8/1964, quân và dân Quảng Ninh đã bắn rơi 2 máy bay trên bầu trời TX Hòn Gai, chiến thắng không lực của đế quốc Mỹ ngay trận đầu tiên chúng mở đợt tấn công phá hoại miền Bắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có mặt tại Hồng Gai ngày 5/8/1964. Sách "Lịch sử Đảng bộ TP Hạ Long giai đoạn 1930-2010", do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành, trích lời cố Thủ tướng: "Tôi rất vui mừng được thấy trận đầu đánh thắng đế quốc Mỹ của các đồng chí. Tôi chuyển lời khen ngợi của Trung ương Đảng, của Bác Hồ đến với toàn thể cán bộ, chiến sĩ phòng không, hải quân, công an, dân quân tự vệ và toàn thể nhân dân Hồng Gai Anh hùng". Sau chiến thắng vẻ vang ấy, khi về chúc Tết Ất Tỵ (1965) ở Vùng mỏ, Bác Hồ cũng đã dành lời khen ngợi cho quân và dân Quảng Ninh.
Những năm tiếp theo đó, hàng loạt các phong trào cách mạng được đẩy mạnh ở Quảng Ninh, như: “Thợ mỏ phất cao cờ hồng”, “Vì miền Nam ruột thịt”, “Trai cơ khí anh hùng quyết lập công mùa thao diễn, Gái thợ mỏ đảm đang sẵn sàng vượt mức thi đua"... Khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi "Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước" quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hồ Chủ tịch vào lúc 6 giờ ngày 17/7/1966, toàn thể quân và dân Quảng Ninh đều thấm nhuần lời dặn dò ấy của Người. Rằng kẻ thù dù có hung bạo đến đâu, dù có lắm súng nhiều tiền đến đâu thì cũng không thể thắng được nhân dân Việt Nam; cái chính nghĩa phải thắng cái phi nghĩa; cái văn minh phải thắng bạo tàn. Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn...
Tháng 7/1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung ương đã cho phép tỉnh Quảng Ninh và ngành Than lần đầu tiên tổ chức một đợt tuyển quân quy mô lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, những người thợ mỏ đã hăng hái làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, dù họ thuộc diện được ưu tiên ở lại để làm nhiệm vụ sản xuất tại khai trường, hầm lò, sản xuất than cho Tổ quốc. Nhưng trước yêu cầu lịch sử, lắng nghe tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, những người thợ mỏ đã có chung một quyết định sắt đá: Ngưng tay búa, tay máy để lên đường vào Nam chiến đấu. Nhiều người trong số họ còn trích máu, viết huyết tâm thư xin được cùng đồng đội cầm súng ra tiền tuyến.
Cuộc tuyển quân diễn ra hết sức khẩn trương. Chỉ trong vòng 4 ngày từ 27-30/7/1967, tỉnh Quảng Ninh và ngành Than đã huy động được khoảng 2.000 người, chủ yếu là cán bộ, công nhân ngành Than, Điện, số ít còn lại là cán bộ, công nhân một số cơ quan đơn vị và con em nhân dân Quảng Ninh. Quân số này được tập hợp thành 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 385, Tiểu đoàn 386 và Tiểu đoàn 9. Trong đó, tất cả thành viên của Tiểu đoàn 385 và Tiểu đoàn 386 là thợ mỏ ở khu vực Hòn Gai và Cẩm Phả. Tiểu đoàn 9 là tập hợp quân số của nhiều ngành nghề, với khoảng 900 người.
Cái tên Binh đoàn Than dù không phải phiên hiệu chính thức trong Quân đội, nhưng đã được đặt chung cho lực lượng này, khơi gợi khí thế hào hùng của những người lính. Danh hiệu Binh đoàn Than đã đi vào lịch sử của giai cấp công nhân mỏ và lịch sử cách mạng tỉnh Quảng Ninh; là một minh chứng hùng hồn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giữa thế kỷ XX. Còn với những người lính khi đó, danh hiệu Binh đoàn Than như một lời nhắc nhở về quê hương, nguồn cội, trở thành động lực cho mỗi bước hành quân.
Ngày 30/7/1967 Binh đoàn Than làm lễ xuất quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là đợt xung phong tòng quân lớn nhất của Quảng Ninh tính đến bây giờ. Trong ký ức của nhiều người có mặt tại TX Hòn Gai chiều hôm ấy vẫn còn nhớ về hình ảnh những tân binh còn mặc áo thợ đứng chật sân rạp Bạch Đằng tại phố Cây Tháp (nay là phố Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), kéo dài đến tận phà Bãi Cháy. Sự kiện rất được quan tâm, nên không chỉ gia đình của các chiến sĩ đến tiễn người thân, mà còn có đông đảo nhân dân cùng có mặt để gửi lời động viên, cổ vũ. Có những nỗi niềm khác nhau đã được nhắn gửi giữa người ra đi, người ở lại, nhưng lớn hơn cả chính là tinh thần cách mạng dâng trào trong mỗi người con Vùng mỏ. Họ quyết tâm chưa hết giặc chưa trở về quê hương. Câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý, thôi thúc Binh đoàn Than hăm hở lên đường.
Tiểu đoàn 9 tham gia huấn luyện tại TX Đông Triều, sau đó hành quân thẳng vào Kon Tum. Tiểu đoàn 385 và Tiểu đoàn 386 huấn luyện tại Hòa Bình, đến tháng 12/1967 thì hành quân vượt dãy Trường Sơn, hướng thẳng tới mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị. Thông tin về việc thành lập Binh đoàn Than nhanh chóng được phía địch nắm bắt. Nửa tháng sau khi xuất quân, thông tin trinh sát của ta cho biết: Đài BBC loan tin rằng có một binh đoàn đặc nhiệm của Quân đội Việt Nam đang hành quân vào Nam. Thế là giặc Mỹ ra sức tìm diệt binh đoàn ấy dọc suốt đường hành quân, hòng chặn đứng một lực lượng tinh nhuệ, kỷ luật cao, sức khỏe tốt đang trên đường hướng thẳng về tiền tuyến. Dù vậy cũng không thể cản bước của lực lượng này, bởi động lực của họ chính là phẩm chất kiên trung và tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ luôn tỏa sáng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Chiến tranh đã lùi xa, song những tháng năm rực lửa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của các chiến sĩ Binh đoàn Than năm xưa. Họ đã xông pha nơi trận mạc, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân để bảo vệ đất nước.
Tháng 7/1967 tỉnh Quảng Ninh huy động lực lượng thanh niên của tỉnh từ Móng Cái đến Đông Triều ở mọi ngành, mọi nghề bổ sung cho chiến trường miền Nam ruột thịt với phong trào “Tất cả vì tiền tuyến”. Công nhân ngành Than tại TX Hòn Gai, TX Cẩm Phả viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện tại Yên Tử rồi Hòa Bình, các chiến sĩ Binh đoàn Than gồm Tiểu đoàn 385, Tiểu đoàn 386, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 42, Sư đoàn 320, tổng quân số khoảng 2.000 người, hành quân vào chiến trường miền Nam.
Lúc này, chiến sĩ Bùi Duy Thinh là công nhân Mỏ Than Hà Tu, vừa cưới vợ được 10 ngày, viết đơn tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 385. Sau gần 4 tháng hành quân, đơn vị của ông Thinh trực tiếp tham gia đánh địch tại mặt trận Tây Nguyên.
Ông Bùi Duy Thinh kể: Ngày 5/2/1968, trước khi nổ súng trận Làng Vây (Kom Tum), tôi được kết nạp vào Đảng. Tôi luôn xác định tinh thần, mình là đảng viên, dù có hy sinh cũng không chùn bước. Trận đánh Làng Vây đơn vị tôi trực tiếp đánh trại huấn luyện biệt kích của Mỹ - Ngụy nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, cạnh đường 9. Xung quanh bao bọc bởi các cao điểm từ thấp lên cao, gồm cao điểm 452, cao điểm 845, cao điểm 833 do lính Mỹ đảm nhận với nhiều hỏa lực mạnh. Trận đánh Làng Vây có sự phối thuộc của xe tăng của ta, trận đánh kết thúc nhanh chóng, hầu hết quân địch bị tiêu diệt, một số rút chạy.
Sau khi giải phóng Làng Vây, đơn vị của ông tiếp tục đánh các cao điểm, giải phóng sân bay Tà Cơn. Tại cao điểm 452, ông Thinh cùng đồng đội xông lên diệt các ổ đề kháng địch. Quân địch trong các lô cốt bắn ra xối xả. Thấy quân ta không thể xung phong lên được, ông Thinh lấy khẩu B41 của đồng đội hy sinh bên cạnh, lợi dụng địa hình địa vật, tiến sát, bắn vào chốt đề kháng của địch, diệt toàn bộ khoảng 6-7 tên Mỹ. Sau trận đánh này, ông Bùi Duy Thinh được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ...
Ở tuổi 79, ông Bùi Duy Thinh tay run run mở từng trang nhật ký là kỷ vật vô giá được ông bọc kỹ qua với nhiều lớp túi nilon. Những trận đánh, tên những đồng đội hy sinh được ông ghi chi tiết, đôi lúc ghép những vần thơ tiễn biệt đồng đội.
"...Trận đánh lúc 5h20 ngày 9/4/1971 tại khu vực Ngọc Ring, Bờ Riêng (Kon Tum) (ông Bùi Duy Thinh lúc này được điều động về Trung đoàn 28, Bộ Quốc phòng - tác giả), 25 chiến sĩ do thiếu tá Trần Văn Hà, Trung đoàn phó Trung đoàn 28, chỉ huy, truy kích địch đang rút chạy về Đắk Tô - Tân Cảnh. Sau khi trời sáng rõ, đơn vị ngừng truy kích, Trung đoàn phó Hà lệnh đơn vị nghỉ ngơi bên sườn đồi dưới tán cây le, ăn sáng bằng gạo rang lấy lại sức. Bất ngờ địch dùng máy bay B52 ném bom vào đúng đội hình, 25 chiến sĩ thì 21 người hy sinh trong đó có Trung đoàn phó Trần Văn Hà. Tôi và 3 người còn sống tiến hành chôn cất các đồng đội...".
"Trận chiến khác tại Ngọc Ring, Bờ Riêng. Tôi bị bom hất xa 10m, bị đất vùi lấp, tưởng hy sinh, nhưng rất may vẫn sống và tiếp tục chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất. Đơn vị tôi đã cắm lá cờ giải phóng trên nóc Bộ Tổng tham mưu Ngụy ngày 30/4/1975, đi hết chặng đường dài bao hy sinh mất mát để có ngày hôm nay...".
Tháng 7/1967, anh Nguyễn Xuân Việt - công nhân Mỏ Than Hà Lầm tình nguyện gia nhập Binh đoàn Than chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong suốt 4 tháng hành quân liên tục vào mặt trận, Nguyễn Xuân Việt cùng 190 chiến sĩ khác bổ sung cho Tiểu đoàn đặc công 406 Kon Tum. Trong thời gian chiến đấu đến lúc hy sinh, Nguyễn Xuân Việt tham gia chiến đấu gần 30 trận đánh. Ông trực tiếp chỉ huy các mũi chính diện, quan trọng luôn thể hiện ý chí tiến công với tinh thần “Nắm thắt lưng địch mà đánh”. Ông 3 lần bị thương nhưng đều xin ở lại đơn vị để điều trị rồi tiếp tục tham gia chiến đấu. Theo những đồng đội của ông kể lại, ông là tấm gương chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, dù bị thương vẫn không rời trận địa.
Tiêu biểu như trận đánh ngày 5/10/1968, quân ta tập kích tiền đồn 2 của Mỹ - Ngụy ở Bắc Kon Tum. Chiến sĩ Nguyễn Xuân Việt dùng thủ pháo và B40 tiêu diệt 10 mục tiêu quan trọng. Trong cuộc đời chiến đấu, ông 2 lần được đơn vị làm lễ truy điệu sống trước khi xung trận. Trận đánh vào Biệt khu 24 (Kon Tum) đêm 7/1/1969 tiêu diệt 1 tiểu đoàn Ngụy, 12 cố vấn Mỹ, phá hủy sở chỉ huy cùng nhiều phương tiện chiến tranh. Đặc biệt trận đánh vào sân bay Kon Tum ngày 16/3/1971, Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Việt chỉ huy mũi chính diện, bị thương nặng, đồng đội đề nghị đưa ra khỏi trận địa, nhưng ông không đồng ý. Ông giao quyền chỉ huy cho cấp phó, còn ông một mình nổ súng thu hút hỏa lực địch đến để đơn vị phát triển tấn công. Ông bắn đến viên đạn cuối cùng và đã anh dũng hy sinh trong khi đơn vị giành chiến thắng.
25 năm sau ngày hy sinh, ngày 27/7/1997 ông Nguyễn Xuân Việt được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến, tinh thần chiến đấu gan dạ dũng cảm, niềm tự hào của công nhân Vùng mỏ Anh hùng.
Khi đang là thợ Nhà máy Cơ khí Hòn Gai, có thông báo tuyển quân, công nhân Chu Văn Đích làm đơn tình nguyện nhập ngũ, tháng 7/1967, biên chế vào Trung đội 4, Đại đội 3, Tiểu đoàn 385, Binh đoàn Than. Sau thời gian huấn luyện, vừa vào chiến trường, ông tham gia ngay trận đánh mở màn chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Làng Vây, sân bay Tà Cơn (Quảng Trị); sau đó đơn vị ông được tăng cường lên Tây Nguyên hoạt động khu vực Đắk Tô (Kon Tum), rồi xuống vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, sang Campuchia...
Ông Đích kể: Tôi không thể nhớ đã tham gia bao nhiêu trận đánh lớn, nhỏ. Có những trận đánh vừa hô xung phong thì đồng đội đã trúng đạn ngã xuống. Sáng mùng 1 Tết 1969 tôi sang thăm chúc Tết đồng đội Phạm Hùng Phong thì buổi chiều nhận được tin đồng đội đã hy sinh. Có những trận đánh hằn sâu trong ký ức khiến tôi không thể nào quên, như tránh đánh tại khu vực Đông Nam Bộ. Nơi đơn vị đang ém quân để đêm tiến công, bị địch phát hiện gọi B52 đến ném bom vào giữa đội hình. Cả đơn vị tan tác, thương vong nhiều vô kể...
Phải đến 3 ngày sau đơn vị mới tập hợp lại được, mặc dù quân số giảm, nhưng trận đánh vẫn hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đã định. Trên đường rút quân ra, đơn vị tôi lại bị địch phục kích, bao vây. Địch dùng xe tăng và bộ binh vây kín, khiến đơn vị phải nằm án binh bất động 6 ngày. Lương thực cạn kiệt, mọi người san sẻ cho nhau từ miếng lương khô, ngụm nước, nhưng ý chí chiến đấu “Nắm thắt lưng địch mà đánh” của người lính Binh đoàn Than vẫn không lay động.
Ông Đích còn trực tiếp tham gia nhiều trận đánh ác liệt cho đến khi bị thương hỏng bên mắt trái, phục viên ra Bắc năm 1974.
“Sau này đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các đồng chí lại về với Quảng Ninh về với ngành Than”, ông Bùi Duy Thinh nhớ lại câu nói của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Đàm trong buổi lễ xuất quân tiễn Binh đoàn Than vào chiến trường ngày 15/12/1967. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Thinh lúc đó là trung úy, Trợ lý tham mưu, Trưởng Ban quân lực Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.
Ông Thinh chia sẻ: Chính vì câu nói đó, mặc dù có nhiều nơi muốn nhận ông về làm cán bộ, trong đó có Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng, nhưng ông luôn tâm niệm, người lính ra đi từ công nhân mỏ thì trở về vẫn là công nhân mỏ. Năm 1977 ông là Phó Phòng Tổ chức cán bộ, sau đó được cử đi học chính trị, rồi quay về làm Trưởng Phòng Tổ chức Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công nhân Công ty Than Hòn Gai (nay là Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam).
Sau đó ông là Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Khai thác than (Công ty Than Hòn Gai). Đến năm 2003 ông nghỉ hưu, đảm nhận Trưởng Ban liên lạc Binh đoàn Than. Ban đã tổ chức hoạt động thăm hỏi, gặp mặt, giúp đỡ nhau; đi tìm đồng đội nằm lại chiến trường xưa để đưa về quê hương. Ông cho biết: Mặc dù trong mình có nhiều vết thương trong chiến tranh nhưng được sống trở về với vợ con đã là niềm hạnh phúc lớn so với nhiều đồng đội đã hy sinh. Ông luôn day dứt về những người ông đã chôn cất hiện vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
CCB Chu Văn Đích phục viên ra Bắc năm 1974, quay về Nhà máy Cơ khí Hòn Gai làm công tác đoàn, rồi làm Chủ tịch Công đoàn Nhà máy. Với người lính đi ra từ trận mạc, ông luôn thể hiện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vừa là người lính, vừa là người thợ. Trong những năm tháng đất nước khó khăn, thi đua lao động sản xuất được ông luôn nhắc nhở khích lệ động viên đội ngũ công nhân xứng đáng truyền thống người thợ mỏ.
Ông Đích cho biết: Trở về từ chiến trường khi đất nước đổi mới phát triển, ông luôn cố gắng học tập vươn lên, tiếp cận cái mới; ông đã hoàn thiện học đại học và công tác đến khi về hưu. Ông luôn tự hào mình là công nhân mỏ, người lính Binh đoàn Than.
Ông Lưu Văn Quý trong trận chống càn ở ấp Bình Chánh (Long An), bị 2 mảnh đạn găm vào đầu, bị thương rất nặng, thương binh hạng 3/4. Năm 1970 ông được đưa Bắc điều trị, sau đó trở lại Mỏ Than Hà Tu nơi ông đã ra viết đơn tình nguyện vào Binh đoàn Than. Ông làm thợ kỹ thuật phục vụ khai thác, đóng góp nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động. Ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên, công tác đến khi nghỉ hưu. Giờ đây ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe yếu do vết thương chiến tranh hành hạ, nhưng ông vẫn thể hiện tinh thần người lính Binh đoàn Than oai hùng.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 50 năm, những công nhân mỏ tuổi mười tám, đôi mươi của Binh đoàn Than năm xưa giờ đây người còn, người mất. Họ đã góp phần viết nên một dấu son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sản xuất và trong chiến đấu, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ Anh hùng. Binh đoàn Than mãi mãi niềm tự hào của công nhân Vùng mỏ...
QN
Ý kiến bạn đọc