Ba vấn đề liên quan, tác động lẫn nhau
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Công đoàn Việt Nam xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, là: 1. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; 2. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; 3. Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Nội dung của ba khâu đột phá trên cũng chính là một bước cụ thể hóa tinh thần nội dung Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; đồng thời cho thấy rõ mục đích quan trọng của hoạt động Công đoàn Việt Nam trong 5 năm tới.
Theo đó, Công đoàn Việt Nam vừa phải thực hiện tốt chức năng bẩm sinh, cốt lõi của mình là đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động, trong tâm là vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động bằng các biện pháp đối thoại, thương lượng tập thể; vừa phải tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; đồng thời, phải tiếp tục xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ba vấn đề trên có liên quan, tác động lẫn nhau. Muốn thực hiện được chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong doanh nghiệp, thì trước hết nơi đó phải thành lập được tổ chức Công đoàn. Muốn thu hút được đông đảo người lao động tham gia tổ chức Công đoàn thì phải thì phải có đội ngũ cán bộ công đoàn, trước hết là chủ tịch công đoàn cơ sở có đủ năng lực, trình độ, tập hợp được đông đảo người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và trên cơ sở đó, tiến hành các cuộc đối thoại, thương lượng tập thể một cách thực chất, hiệu quả nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Khi quyền lợi người lao động được đảm bảo, thì đó sẽ là một động lực thúc đẩy người lao động tham gia tích cực vào tổ chức Công đoàn. Do vậy, cần phải quán triệt sâu sắc, cũng như sử dụng các biện pháp phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đạt kết quả tốt.
Một số vấn đề cần quán triệt
Trong quá trình tổ chức triển khai 3 khâu đột phá, theo chúng tôi, cần phải quán triệt và nhận thức những vấn đề sau:
Đối thoại, thương lượng lao động tập thể trong quan hệ lao động là một biện pháp quan trọng, được quy định trong nhiều văn bản pháp lý, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; Đồng thời, đối thoại, thương lượng tập thể còn là một cách thức để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về “xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ”. Nội dung của các cuộc đối thoại, thương lượng tập thể trong quan hệ lao động rất rộng và liên quan đến nhiều vấn đề mà người lao động quan tâm. Do vậy, trước hết tổ chức Công đoàn phải lựa chọn, tập trung vào những nội dung cốt lõi, cơ bản liên quan đến quyền lợi thiết thực nhất của người lao động. Đó chính là vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Đây cũng chính là những lợi ích thiết thực nhất đối với đời sống người lao động. Người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tư cách là người làm việc theo hợp đồng lao động để có nguồn thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Do vậy, mong muốn lớn nhất và trước hết của họ chính là mức thu nhập (tiền lương, tiền thưởng), làm việc trong điều kiện an toàn cho sức khỏe của họ… Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần này xác định tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi nêu trên.
Vấn đề phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước không những là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong điều kiện mới, mà còn là cơ sở, nền tảng để thúc đẩy đối thoại thương lượng tập thể trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Một tổ chức công đoàn cơ sở có đông đảo đoàn viên sẽ trở thành công cụ hỗ trợ tích cực cho đội ngũ cán bộ công đoàn trong quá trình đàm phán, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có chất lượng tốt, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người lao động.
Vấn đề tiếp tục xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước cũng là vấn đề cần phải đặc biệt coi trọng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vai trò của người cán bộ được Bác ví theo cách tự nhiên, như cây thì phải có gốc, không có gốc thì cây héo, sông thì phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Trong công việc của cách mạng, của Đảng phải có người cán bộ đứng ra để thực hiện, không có cán bộ thì không thể hoàn thành công việc. Bác Hồ cũng đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Trong điều kiện hiện nay, đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nơi tổ chức cơ sở Đảng chưa phát triển rộng khắp, thì đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là người chủ tịch công đoàn cơ sở, có vai trò rất quan trọng, không chỉ là người lãnh đạo tổ chức hoạt động của tổ chức công đoàn, mà còn vừa bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, vừa góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động và phát triển đất nước. Mặt khác, chủ tịch công đoàn cơ sở hiện nay thường là cán bộ công đoàn không chuyên trách. Họ vừa thực nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn, vừa phải đồng thời thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà doanh nghiệp phân công. Đó là một công việc đầy khó khăn và phức tạp; đòi hỏi đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở phải là những người có đầy đủ năng lực, trình độ và bản lĩnh chính trị mới hoàn thành được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần này là phải tập trung xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị là một quá trình bao gồm từ công tác bầu cử, lựa chọn được chủ tịch công đoàn có đủ tài, đức, cho đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một số giải pháp
Để tổ chức triển khai thực hiện có kết quả 3 khâu đột phá trong hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, trong đó chú trọng nội dung 3 khâu đột pháp trong Nghị quyết Đại hội.
Hai là, trong thời gian tiến hành đại hội các cấp công đoàn vừa qua, có nhiều cán bộ trúng cử, lần đầu đảm nhận chức trách nhiệm vụ của công đoàn, thay cho các đồng chí cán bộ đến tuổi nghỉ hưu hoăc làm công tác khác. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ các chủ tịch công đoàn cơ sở về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để họ tổ chức triển khai có kết quả Nghị quyết Đại hội. Tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện có hệ thống cơ sở đào tạo cán bộ công đoàn, trong đó có hai trường Đại học: Đại học Công đoàn và Đại học Tôn Đức Thắng có đủ cơ sở vật chất, học liệu và đội ngũ giảng viên đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn giao cho.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội nhằm phát hiện và kịp thời có biện pháp thão gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, giúp cho công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động đạt kết quả tốt.
Bốn là, thông qua quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội, phát hiện kịp thời những nhân tố mới, tích cực và có đủ điều kiện, giới thiệu để tổ chức đảng cơ sở xem xét bồi dưỡng và kết nạp họ trở thành người đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
QN
Ý kiến bạn đọc