Đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm

Thứ sáu - 07/04/2023 18:16 23.190 0
Chiều 05/4, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cán bộ công đoàn về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Chủ trì hội thảo có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu và Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Bá Hoan - Phó Trưởng ban soạn thảo Luật BHXH sửa đổi. Các cán bộ công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh, thành, công đoàn ngành trung ương (khu vực phía Bắc) cùng dự hội thảo.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu khai mạc hội thảo.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu khai mạc hội thảo.

      Cán bộ công đoàn là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả 

      Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật BHXH có tác động rộng lớn tới nhiều đối tượng, trong đó có người lao động (NLĐ). Với tư cách là cơ quan đại diện cho NLĐ, nói lên tiếng nói của NLĐ, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Bộ LĐTBXH tổ chức hội thảo. Đây là cơ hội để các cán bộ công đoàn từ thực tiễn công tác của mình trên cơ sở lắng nghe ý kiến, mong muốn, nhu cầu nguyện vọng chính đáng của NLĐ…, sẽ cho ý kiến đóng góp để giúp cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) ngày càng hoàn thiện. Và Tổng LĐLĐVN sẽ tổ chức nhiều hội thảo như buổi hôm nay.

      Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm, liên quan đến Luật BHXH, trước đây cũng là lý do gây ra tranh chấp lao động tập thể…, do đó, rút kinh nghiệm từ những lần trước, Ban soạn thảo rất quan tâm đến việc vừa lấy ý kiến, vừa truyền thông chính sách tới người dân, NLĐ để họ thể hiện quan điểm của mình theo hướng tích cực, xây dựng…, tránh có những phản ứng tiêu cực. 

      “Do đó, các đại biểu là cán bộ công đoàn dự hội thảo cần có những ý kiến khoa học thực tiễn để cùng nhau xây dựng dự án Luật BHXH chất lượng. Trên cơ sở ý kiến tại hội thảo, các cán bộ công đoàn khi trở về địa phương cũng cần thông tin tới cán bộ công đoàn cơ sở, NLĐ, người sử dụng lao động, để họ nắm được thông tin và bày tỏ ý kiến thông qua các kênh thông tin như cổng thông tin điện tử, cán bộ công đoàn… Thông qua hội thảo sẽ đạt được mục tiêu đề ra là góp được tiếng nói của NLĐ để có được một dự thảo Luật BHXH mang tính khả thi” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nêu ý kiến. 

ng2
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo.

      Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ công đoàn về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là hoạt động rất quan trọng và có ý nghĩa. Thông qua hội nghị, Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý của các cán bộ công đoàn để nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.

      Mở rộng đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH bắt buộc

      Tại hội thảo, đại diện Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) đã giới thiệu về kế hoạch và lộ trình xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, từ 01/3/2023, Ban soạn thảo sẽ lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương, đăng website; từ tháng 5/2023 gửi Bộ Tư pháp thẩm định; tháng 6/2023 - trình Chính phủ; tháng 7/2023 - trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 10/2023 - Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

ng3
Ông Nguyễn Duy Cường - Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) chia sẻ thông tin tại hội thảo.

      Theo đại diện Bộ LĐTBXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thiết kế gồm 9 Chương (giữ nguyên số Chương) và 133 Điều (nhiều hơn 8  Điều so với Luật hiện hành), theo đó nội dung sửa đổi chính tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, với nhiều nội dung lớn được sửa đổi bổ sung như: (1) Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản, tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống BHXH đa tầng, đồng thời bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH;

      (2) Mở rộng đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH bắt buộc; (3) Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; (4) Bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện; (5) Giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm để những người tham gia muộn và tham gia không liên tục (thời gian đóng ngắn) cũng có cơ hội hưởng lương hưu; (6) Quy định về hưởng BHXH một lần; (7) Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH nhằm nâng cao tính tuân thủ đảm bảo quyền lợi về BHXH cho NLĐ… 

QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây